Thúc đẩy giao thương hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Hồng Kông (Trung Quốc)

Các doanh nghiệp miền Trung được cung cấp những thông tin cơ bản của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA); đồng thời chuẩn bị cho sự kiện kết nối, giao thương Việt Nam: Instyle HongKong 2018 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 20 - 21/9.

Chiều 20/8, tại Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo “Instyle HongKong 2018 - Cửa ngõ ra thị trường thế giới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt”.

Hội thảo “Instyle HongKong 2018 - Cửa ngõ ra thị trường thế giới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt”. (Ảnh: Anh Tuấn)

Hội thảo “Instyle HongKong 2018 - Cửa ngõ ra thị trường thế giới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt”. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, tương tác, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia kinh tế, tài chính; các tập đoàn, doanh nghiệp, đại diện cho các thương hiệu, các thành tựu kinh tế của Hồng Kông (Trung Quốc), trải nghiệm các dịch vụ, được tư vấn đề thuế, về hoạt động doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu.... mở thêm nhiều cơ hội giao thương đầy triển vọng giữa các doanh nghiệp.

AHKFTA hoàn tất đàm phán vào tháng 9/2017 và chính thức ký kết tháng 11/2017, ngay sau khi Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC. Dự kiến, AHKFTA sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2019, sau khi Hồng Kông (Trung Quốc) và ít nhất 4 quốc gia thành viên ASEAN thông qua.

Theo cam kết, khi AHKFTA có hiệu lực, trong vòng 10 năm, Việt Nam sẽ loại bỏ 75% dòng thuế quan. Về phía Hồng Kông, đây là thị trường mở, các mức thuế vào thị trường này vốn đã thấp, nên khi AHKFTA có hiệu lực, sẽ xóa bỏ 100% dòng thuế.

Là thị trường đầy tiềm năng đối với Việt Nam, Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ 9 với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 9,2 tỷ USD năm 2017, tăng hơn 22% so với năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, hai bên trao đổi 4,59 tỷ USD hàng hóa (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó Việt Nam xuất 3,81 tỷ USD và nhập 780,99 triệu USD giá trị hàng hóa.

Về FDI, đây là đối tác lớn thứ 6 của Việt Nam với 17,7 tỷ USD vốn đầu tư.

Hiện khu vực miền Trung có 24 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hồng Kông tập trung vào hàng may mặc và nguyên phụ liệu, giày dép gỗ, chế biến thủy sản đông lạnh….

Theo ông Nguyễn Uy, Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông, được biết đến là trung tâm tài chính, thương mại lớn của Châu Á và thế giới, đồng thời tập trung nhiều trụ sở các công ty lớn của Châu Á - Thái Bình Dương, 90% hàng hóa trên thị trường Hồng Kông được nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Đây cũng là cảng trung chuyển hàng hóa “khổng lồ” của thế giới. Vì là thị trường tái xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Hồng Kông để tiếp cận tới các thị trường khác trên thế giới. Để tiếp cận thị trường này, phía Việt Nam có thể xây dựng mối quan hệ kinh doanh gắn bó thông qua thiết lập các đại lý đáng tin cậy, làm việc với các công ty xuất khẩu trung gian, các công ty mua hàng hoặc các đối tác kinh doanh khác; tổ chức đi khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu thị trường.../.

Anh Tuấn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/thuc-day-giao-thuong-hang-thu-cong-my-nghe-viet-nam-hong-kong-trung-quoc-494737.html