Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là câu chuyện làm 'đau đầu' lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Vì thế, bước vào những ngày đầu năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành phải có nhiều giải pháp quyết liệt để thúc công tác này.

Sẽ đưa ra giải pháp phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020. Ảnh: ST.

Đầu năm giải ngân còn thấp

Tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao là 470.600 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng (trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 23.756,273 tỷ đồng); vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng. Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 18.689 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 4,5% và tăng 3,8%). Cơ quan này lý giải, do tháng 1 trùng kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên kết quả vẫn đạt thấp. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, hiện nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn và nhập dự toán chi cho các dự án nên tỷ lệ giải ngân tháng đầu năm còn thấp.

Thực tế những năm qua cho thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là câu chuyện “biết rồi nói mãi”, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, thủ tục này phải chờ thủ tục kia, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộc nhiều hạn chế như: Quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 2 năm, bãi bỏ quy định Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền... cần được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ này còn do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch... Thêm vào đó, công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Sẽ phân bổ chi tiết mức vốn

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo để “thúc” giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, một trong 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2020 là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Thậm chí, trong phát biểu gần đây tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tháo gỡ tốt hơn các nút thắt, tồn tại, nhất là vấn đề mới phát sinh. Đối với triển khai về đầu tư công, còn vướng về thể chế, tổ chức thực hiện; nhiều ngành, địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo các cơ quan, vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tham mưu tích cực, sát hơn nữa để tháo gỡ ngay trong quý I/2020 về giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù đã xây dựng tiêu chí rõ ràng, nhưng theo Thủ tướng, danh mục các dự án đầu tư công còn rất dàn trải; còn bóng dáng của ban phát. Quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập. Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng. Quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm. Nhiều nơi hủy thầu vô căn cứ, có dấu hiệu tham nhũng. Còn tình trạng đấu thầu kém công khai.

Vì thế, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, một điểm mới so với các năm trước trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 là sẽ đưa ra giải pháp phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, chi tiết danh mục dự án, mức vốn bố trí cho từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng giao kế hoạch chậm ở cấp Trung ương như các năm trước đây.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện các dự án; đối với những dự án thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2020 nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương thuộc thẩm quyền của Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đây cũng là một điểm mới trong Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-ngay-tu-dau-nam-120003.html