Thúc đẩy đồng thuận ngoại giao

Các quan chức ngoại giao Mỹ và Anh thúc giục lực lượng nổi dậy Hu-thi chấm dứt tiến công ở miền bắc Y-ê-men, sau vụ nổ mới nhất tại thành phố Ma-ríp. Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế thúc đẩy đồng thuận ngoại giao, hướng tới một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Y-ê-men để chấm dứt xung đột tại quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập này.

Thành phố Ma-ríp nổi lên là tâm điểm xung đột ở Y-ê-men, khi lực lượng nổi dậy Hu-thi triển khai chiến dịch tiến công nhằm giành quyền kiểm soát khu vực có trữ lượng khí đốt dồi dào và là "cứ địa cuối cùng" của Chính phủ Y-ê-men ở miền bắc. Ma-ríp đã trở thành vùng "rốn" mà tên lửa của Hu-thi nhắm tới trong loạt cuộc tiến công gần đây. Bạo lực khiến hơn 25.000 người ở Ma-ríp phải rời bỏ nơi ở, khiến tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng, giá cả leo thang, tài chính thiếu hụt khiến nguy cơ nạn đói lan rộng đang ngày càng hiện hữu ở Y-ê-men. Trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2014, lực lượng Hu-thi đã chiếm giữ các tỉnh ở miền bắc Y-ê-men, buộc Chính phủ của Tổng thống M.Ha-đi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Xa-na và tới thành phố miền nam A-đen. Liên minh các nước A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu can thiệp vào Y-ê-men để hỗ trợ chính quyền Tổng thống M.Ha-đi từ năm 2015, tiến hành nhiều chiến dịch không kích nhằm ngăn chặn các mũi tiến công của Hu-thi.

Xung đột thường xuyên leo thang giữa liên quân A-rập và Hu-thi có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Hu-thi đã tiến hành nhiều vụ bắn tên lửa vào cơ sở dầu mỏ ở sâu bên trong lãnh thổ nước láng giềng A-rập Xê-út, đe dọa an ninh năng lượng ở khu vực. Việc Hu-thi chặn cảng chiến lược Hô-đây-đa ở Biển Đỏ, cửa ngõ quan trọng đưa hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế tới Y-ê-men, đã đẩy nhiều người dân ở nước này tới bờ vực của nạn đói. Mới đây, liên quân A-rập đã ngăn chặn âm mưu của lực lượng Hu-thi tiến hành vụ tiến công bằng tàu chở chất nổ ở phía nam Biển Đỏ, một trong những tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới dẫn đến kênh đào Xu-ê ở Ai Cập. Xung đột ở Y-ê-men trở thành mối đe dọa đối với an ninh các tuyến hàng hải và thương mại toàn cầu. Cuộc chiến ở Y-ê-men nếu không được ngăn chặn có thể khiến "lò lửa xung đột" lan ra khu vực.

Trước những diễn biến bạo lực nghiêm trọng ở Y-ê-men, Đại biện lâm thời Mỹ C.Oét-li nhấn mạnh, tình trạng bạo lực vô nhân đạo này phải chấm dứt. Đại sứ Anh M.A-ron trên Twitter cho rằng, việc Hu-thi nghiêm túc phối hợp các nỗ lực của LHQ để đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc sẽ giúp ngăn chặn thương vong thảm khốc. Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tiến công tên lửa mới đây nhất của Hu-thi, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Cai-rô đối với Chính phủ Y-ê-men được quốc tế công nhận. Đặc phái viên LHQ về Y-ê-men M.Gríp-phít gần đây có chuyến thị sát tình hình Y-ê-men, kêu gọi các lực lượng đối địch tại Y-ê-men thu hẹp bất đồng để đạt thỏa thuận về lệnh ngừng bắn.

LHQ cho rằng, hiện có sự đồng thuận khá đặc biệt và cần tận dụng "năng lượng ngoại giao" đó để đạt được lệnh ngừng bắn, hướng tới một nền hòa bình ở Y-ê-men. Nhận định này được quan chức LHQ đưa ra sau khi A-rập Xê-út khởi động đàm phán với I-ran, quốc gia bị cáo buộc "chống lưng" cho Hu-thi. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai "đối thủ khu vực", kể từ khi Ri-i-át cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tê-hê-ran vào năm 2016.

Chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cũng thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Y-ê-men. Để giúp thu hẹp bất đồng giữa các bên ở Y-ê-men, Đặc phái viên LHQ Gríp-phít đã đưa ra đề xuất về bảo đảm mở cửa trở lại sân bay Xa-na. Liên quân do A-rập Xê-út dẫn đầu áp đặt lệnh phong tỏa đường không đối với Hu-thi, dẫn đến việc đóng cửa sân bay Xa-na, khiến các chuyến bay thương mại bị đình trệ kể từ năm 2016 và lực lượng Hu-thi yêu cầu mở lại sân bay trước khi có bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Xung đột kéo dài đang nhấn chìm Y-ê-men vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Các vụ bắn tên lửa và không kích đáp trả lẫn nhau giữa hai phía xung đột đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường. Kêu gọi tận dụng sự đồng thuận ngoại giao, LHQ nhấn mạnh, chỉ đối thoại trực tiếp mới có thể tìm ra giải pháp chính trị toàn diện, chấm dứt xung đột ở Y-ê-men.

LÂM ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/thuc-day-dong-thuan-ngoai-giao-649704/