Thúc đẩy đối thoại

Thủ tướng Đức A.Merkel vừa có chuyến thăm Nga với hành trang đầy ắp những vấn đề cần bàn thảo liên quan các diễn biến 'nóng' ở Trung Đông. Người đứng đầu Chính phủ Đức đã có cuộc hội đàm dài hơn dự kiến với Tổng thống nước chủ nhà V.Putin.

Bình luận quốc tế

Hai nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận về hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó đồng nhất quan điểm rằng, chỉ có giải pháp chính trị mới có thể tìm ra lối thoát cho các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay.

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức A.Merkel diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, trong đó nổi bật là các “điểm nóng” tại Trung Đông đang tăng nhiệt. Hàng loạt các vấn đề quốc tế từ tình hình Syria, cuộc khủng hoảng Libya, căng thẳng Mỹ - Iran đã được hai nhà lãnh đạo Nga và Đức quan tâm thảo luận. Trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Moscow, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Nga V.Putin đã nêu quan điểm về các vấn đề, trong đó hai bên tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy đối thoại để giải quyết các tranh chấp.

Một trong những vấn đề được hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đặc biệt quan tâm là cuộc khủng hoảng tại Libya. Thủ tướng Đức A.Merkel tuyên bố, cuộc hòa đàm nhằm hóa giải mâu thuẫn giữa các phe phái ở Libya sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức. Theo bà A.Merkel, mục đích của cuộc đàm phán là tạo cơ hội để Libya trở thành một quốc gia có chủ quyền và hòa bình. Bà bày tỏ hy vọng những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới thành công, trong bối cảnh một số lực lượng thân Nga ủng hộ Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng còn Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc xung đột giữa GNA và LNA đang leo thang tại quốc gia Bắc Phi. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Đức, đồng thời cho rằng, tình hình tại Libya đang tác động tới sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu. Trong vấn đề này, ông V.Putin khẳng định, nếu tại Libya xuất hiện lực lượng đánh thuê từ Nga thì những người này không đại diện cho lợi ích quốc gia của Nga và không nhận được sự ủng hộ của Moscow.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Đức cũng đã đạt được nhất trí về sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong đó nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao. Cứu thỏa thuận hạt nhân Iran bên bờ vực đổ vỡ cũng là nỗ lực chung của Liên hiệp châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức vừa ra tuyên bố chung kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ và kiềm chế vi phạm thêm các cam kết trong JCPOA. Các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định duy trì sự sẵn sàng trong phối hợp với Iran nhằm bảo vệ sự ổn định của khu vực. Tổng thống Nga V.Putin cũng đã điện đàm với người đồng cấp Pháp E.Macron để thống nhất tiếp tục nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên liên quan vụ việc dẫn đến leo thang căng thẳng mới nhất giữa Iran và Mỹ thể hiện sự kiềm chế. Những nỗ lực ngoại giao nêu trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn của các bộ trưởng ngoại giao EU về tình hình Trung Đông, trong đó Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của châu Âu G.Bo-ren cảnh báo rằng có thể không cứu được thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nga là một nhân tố quan trọng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, do vậy Thủ tướng Đức A.Merkel muốn lắng nghe ý kiến từ Tổng thống V.Putin sau khi ông cũng vừa trở về từ chuyến thăm Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga đã nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Đức rằng, cần phải thống nhất nỗ lực của tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế để giúp các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân Syria khôi phục các công trình hạ tầng, điện, nước, bệnh viện và trường học, vốn bị tàn phá sau nhiều năm xung đột. Tuy nhiên, ông V.Putin lưu ý, bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng cần được nhất trí với chính quyền hợp pháp của Syria và phân bổ tới tất cả các khu vực chịu ảnh hưởng mà không cần điều kiện tiên quyết nào và không được chính trị hóa vấn đề. Đối với vấn đề này, Tổng thống Nga đã nhận được sự chia sẻ của Thủ tướng Đức A.Merkel, trong đó khẳng định quan điểm rằng cần chấm dứt cuộc chiến ở Syria thông qua các biện pháp chính trị, phù hợp Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Nga V.Putin cũng bày tỏ hy vọng sẽ không xảy ra các hành động quân sự trên quy mô lớn tại khu vực Trung Đông vì điều đó sẽ là thảm họa đối với toàn thế giới. Theo ông, kịch bản này sẽ dẫn tới làn sóng người di cư và tị nạn ồ ạt, không chỉ tới châu Âu mà còn tới các khu vực khác, gây ra thảm họa nhân đạo và kinh tế. Điều này rất gần với quan điểm của Đức, quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng nỗ lực thiết lập nền hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Với tầm ảnh hưởng của Nga trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng hiện nay, việc Đức muốn tìm kiếm sự hợp tác của Moscow trong các vấn đề ở Trung Đông là điều dễ hiểu. “Cái bắt tay” hợp tác Nga - Đức cho thấy, cộng đồng quốc tế đang hết sức nỗ lực nhằm thúc đẩy đối thoại để “tháo ngòi” xung đột ở khu vực Trung Đông vốn đang được ví như một “chảo lửa” hiện nay.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42929402-thuc-day-doi-thoai.html