Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Bước vào năm mới, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nước ta có nhiều thuận lợi: Hai năm liền đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu dự báo đi đôi với kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc; niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao; các nhà đầu tư quốc tế đánh giá tốt môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm trước. Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột: thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, tăng 10 bậc so với năm liền kề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Bức tranh đa sắc

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia thực hiện chính sách bảo hộ trong nước, nhưng GDP Việt Nam năm 2019 vẫn tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xu thế này có bền vững, nước ta đã lọt vào “tốp mạnh” của nền kinh tế toàn cầu chưa?

Không thể phủ nhận, sau khi có chính sách tạo lực đẩy của nhà nước, lực lượng doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng đầy hứng khởi, kể cả chiều rộng và chiều sâu, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ so với khu vực nhà nước và FDI. Sự tham gia thành công của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án hạ tầng, hàng không, công nghiệp lớn… đã tạo bức tranh kinh tế tổng thể nhiều màu tươi sáng. Tuy nhiên, các điểm yếu nội tại cơ bản ta vẫn chưa hóa giải căn cơ: phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu; giải ngân đầu tư công chậm và thiếu hiệu quả; cổ phần hóa DNNN không đạt kế hoạch, thất thoát lớn…

Xem xét chiều sâu, thực tế hiệu quả nền kinh tế nước ta còn thấp. So sánh suất đầu tư tăng trưởng và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam (giai đoạn 2011-2018) tương ứng với Hàn Quốc (1961-2000) và Nhật Bản (1953-1973) cho thấy ta phải mất 6 đồng đầu tư để có 1 điểm tăng trưởng; trong khi Hàn Quốc chỉ mất 4 đồng, Nhật Bản 3 đồng. Chi phí vốn, mặt bằng, logictics là những cản ngại lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, làm tăng cao chi phí, làm mất lợi thế cạnh tranh thế giới.

Soát xét cụ thể lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của Việt Nam, những năm gần đây nước ta tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay điểm cốt tử đầu ra là khâu chế biến và thương mại vẫn không được cải thiện, nên nông dân vẫn rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”; chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, sản xuất theo cung - cầu thị trường; ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại… Kết quả là nông dân vẫn nghèo, tình trạng ly nông vẫn tiếp diễn, gây ra những hệ quả nặng nề, khó lường cho xã hội.

Tầm nhìn và hành động

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, nước ta đề ra chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 là 6,8%. Do xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế nước ta thấp, tại nhiều diễn đàn các nhà nghiên cứu, quản lý bày tỏ lo ngại về khả năng tụt hậu ngày càng giãn ra; đời sống nhân dân chậm cải thiện so với khu vực và các nước khác. Một số nghiên cứu đã đưa ra kết quả tương đồng, đáng suy ngẫm: Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%-8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế khu vực trong tương lai gần; chỉ có thể đuổi kịp khi tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2012-2015 phải đạt 7%-8%/năm và sau năm 2020 tăng lên 9%-10%.

Vì vậy, tiếp tục cải cách trước nhất để lọt vào tốp 4 ASEAN, là yêu cầu cấp bách để tạo cơ hội bứt phá cho nền kinh tế; triệt để xóa bỏ các rào cản thủ tục, quy định bất hợp lý nhằm cởi trói mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư kinh doanh. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt cao hơn, vấn đề là hành động của Chính phủ. “Nếu muốn GDP trên 6% chỉ cần giữ nguyên mọi thứ như hiện tại. Muốn đạt 7% hành động phải thay đổi, còn muốn 8%-9% thì phải quyết liệt cải cách. Quan điểm của tôi là phải tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ, tạo bước chuyển triệt để sang kinh tế thị trường. Nếu không thì ngay cả kịch bản duy trì tốc độ như hiện nay cũng khó đạt”, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Mặt khác, đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nếu nước ta vẫn loay hoay với cách làm cũ, mô hình kinh tế cũ thì ta vẫn lạc hậu, rơi vào bẫy thu nhập thấp; đòi hỏi một tầm nhìn rộng mở, năng động để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp cuối năm, Chính phủ xác định: tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học - công nghệ; có chính sách, cơ chế vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng…

Vấn đề trên cũng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27-9-2019 một cách hiệu quả. Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, xác định các mục tiêu chủ yếu: phát triển mạnh mẽ kinh tế số dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân; thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; tạo đột phá trong việc xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV)

Triển khai vấn đề này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng, trình Chính phủ đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và chiến lược quốc gia cuộc cách mạng 4.0; thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quy tụ 100 người tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ Việt trong lĩnh vực công nghệ từ khắp nơi trên thế giới. Một bầu không khí hào hứng đang dấy lên theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu, nếu Việt Nam hành động quyết liệt và tận dụng được cuộc cách mạng này, đến năm 2030 GDP có thể tăng 7%-16%, tạo ra 3,1 triệu việc làm mới.

Cốt lõi vẫn là đổi mới tư duy

Bước vào năm mới với kết quả đạt được trong năm qua, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm hứng khởi. Đặc biệt, giữa cuối năm trước Ban Kinh tế Trung ương đã phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế”. Đây là một “hội nghị Diên Hồng” bỏ túi rất có ý nghĩa, sẽ tập hợp các ý kiến, kiến nghị thành chủ trương đưa ra trong năm mới. Sở dĩ có “hội nghị” này là vì doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp rủi ro lớn về mặt thể chế khi đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động tốt có thể bị kẻ khác đâm thọc, soi mói hoặc cơ quan thanh tra kiểm tra, phát hiện một lỗi nhỏ có thể biến thành sai phạm nghiêm trọng. Đây đó vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chơi bẩn, gây bất trắc trong hoạt động nên doanh nghiệp nước ta cứ nhỏ dần hoặc không chịu lớn, tạo hệ quả xấu đối với công cuộc phát triển.

Những vấn đề nóng bỏng để nước ta bắt nhịp với nền kinh tế số cũng có nhiều điểm nghẽn. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tâm tư: Bước vào cuộc đua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nước ta còn nhiều vấn đề tồn tại như thể chế, các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo… chưa được hình thành đồng bộ, chưa có hành lang pháp lý thí điểm triển khai, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận và ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp…

Trong bối cảnh số hóa mọi hoạt động kinh tế - xã hội hiện nay, sự tiến hóa của một quốc gia còn được đo lường bằng tốc độ, buộc phải thích ứng và thay đổi rất nhanh kể cả chính sách, giải pháp tình thế. Vì vậy các chuyên gia khuyến nghị điểm mấu chốt vẫn là… đổi mới tư duy. Tư duy mới sẽ quyết định tốc độ phát triển, còn nếu làm theo sách, áp đặt tư duy cũ, nền kinh tế sẽ đi ngang, thậm chí triệt tiêu sáng tạo, đứng bên lề công cuộc phát triển kinh tế số vũ bão hiện nay.

Cuộc sống không chờ ai và trước thềm năm mới, giới chuyên gia, đội ngũ doanh nghiệp trông chờ sự cải cách cách mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước, để thích ứng bối cảnh mới, với mục tiêu vừa đẩy mạnh tăng trưởng, vừa bước vào cuộc cách mạng 4.0 một cách chủ động với ý chí tự lực tự cường, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh.

LÊ TIỀN TUYẾN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuc-day-doi-moi-sang-tao-641831.html