Thúc đẩy doanh nghiệp Thủ đô phát triển bền vững

Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thủ đô đã có những bước phát triển không ngừng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội. Kết quả này thể hiện rõ sự chủ động vươn lên của cộng đồng DN, nỗ lực của chính quyền Thủ đô trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Doanh nghiệp, lực lượng nòng cốt trong công cuộc phát triển Thủ đô

Những năm trước, nhiều người dân, DN trên địa bàn Thủ đô hay phàn nàn về thủ tục hành chính còn nhiêu khê, mất thời gian, tốn kém chi phí... Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân Hà Nội đã hài lòng hơn với các dịch vụ công của thành phố, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Cộng đồng DN cũng cảm nhận rõ sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này được ghi nhận qua bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra công bố. Năm 2018, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng, đạt 55,40 (tăng 4 bậc so với vị trí thứ 13 năm 2017). Đây là năm đầu tiên Hà Nội lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và thông thoáng môi trường kinh doanh.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ năng lực Việt, Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ năng lực Việt, Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các DN. Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp như rút ngắn thời gian khi thực hiện các thủ tục thành lập DN khởi nghiệp. Tới nay, Hà Nội duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%; nộp thuế điện tử đạt 97,6%; rà soát, đơn giản hóa 430 thủ tục hành chính; hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập DN, DN chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng…

Thông tin từ UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, số lượng DN của thành phố có sự phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2016 đến tháng 9-2019, có hơn 93.000 DN thành lập mới, tăng 22,5% so với cả giai đoạn 2011-2015; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 20,28 tỷ USD, gấp 3,24 lần so với giai đoạn 2011-2015 (năm 2018 và 9 tháng của năm 2019, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI sau hơn 30 năm hội nhập); thu hút vốn ngoài ngân sách trong nước đạt 622.000 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô, với tỷ trọng nâng dần từ 37,5% GRDP năm 2015 lên 39% vào năm 2018. “Đội ngũ DN của thành phố ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô; đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, tích cực tham gia đồng hành cùng thành phố trong các chương trình an sinh xã hội”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, những năm qua, với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, “coi sự thành công của các nhà đầu tư, của các DN chính là sự thành công của thành phố”, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Hà Nội sẽ tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

Góp ý dưới góc độ DN, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty PLG Group Hoàng Ngọc Linh cho rằng, việc chuyển đổi từ các hộ kinh doanh cá thể sang mô hình DN trên địa bàn Thủ đô đang rất chậm. Các hộ kinh doanh này đang bị “vướng” về kiến thức quản trị kinh doanh cũng như thiếu thị trường và hàng loạt các kiến thức cơ bản khác như marketing, thuế cũng như pháp luật liên quan, bởi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh hoàn toàn khác với mô hình DN. Theo đó, thành phố cần có các giải pháp tạo thêm môi trường sinh thái khởi nghiệp để các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận với chủ trương này.

Nêu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, DN rất cần giải pháp lâu dài để phát triển bền vững. Theo đó, thời gian tới, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, cung cấp thông tin chính sách về Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giao thương hàng hóa giữa các vùng, miền trong cả nước và thị trường ngoài nước.

KHÁNH AN - TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-doanh-nghiep-thu-do-phat-trien-ben-vung-602920