Thúc đẩy đô thị hóa khu vực từ 2 thị trấn mới

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về đề án thành lập thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đã được kỳ họp thứ 7 (bất thường) HĐND tỉnh khóa IX ngày 26-9 -2018 thông qua, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cho biết:

Ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thành lập 2 thị trấn Hiệp Phước và Dầu Giây, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy thực hiện đô thị hóa khu vực nhằm từng bước tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Thưa ông, cụ thể là 2 thị trấn mới sẽ được công nhận là đô thị loại mấy?

- Nhìn tổng thể, khi thành lập thị trấn Dầu Giây thì nơi đây sẽ là trung tâm hành chính về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo của huyện Thống Nhất. Tương tự, thị trấn Hiệp Phước là trung tâm thúc đẩy phát triển đô thị của vùng, cụm xã thuộc huyện Nhơn Trạch.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập thị trấn phải đáp ứng được tiêu chuẩn về diện tích (14 km2 trở lên), dân số (từ 8 ngàn người trở lên), cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội như: cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất thấp hơn của huyện; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 65% thì được công nhận là đô thị loại V.

Đối với thị trấn Hiệp Phước và thị trấn Dầu Giây đã đạt và vượt các tiêu chuẩn nêu trên, cụ thể: thị trấn Hiệp Phước dân số 38.645 người; diện tích 18,83 km2; cân đối thu chi ngân sách kết dư; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của huyện; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 91,8%. Còn thị trấn Dầu Giây dân số 23.309 người; diện tích 14,14 km2; cân đối thu chi ngân sách kết dư; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của huyện; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 76%.

Thưa ông, cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của 2 thị trấn này được định hướng phát triển ra sao, nhất là kết cấu hạ tầng cơ sở sẽ được đầu tư thế nào?

- Về cơ cấu kinh tế, 2 thị trấn Hiệp Phước và Dầu Giây thời gian qua cơ bản đã chuyển dịch đúng hướng. Chính vì vậy, việc quản lý địa bàn của mô hình chính quyền thị trấn phù hợp và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy nền kinh tế của huyện trong thời gian tới. Nói cách khác, định hướng phát triển chung của 2 thị trấn mới là từng bước nâng cao công tác quản lý, giải quyết tốt các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh kinh tế đi lên nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương theo hướng hiện đại.

Các đại biểu biểu quyết thông qua đề án thành lập thị trấn Dầu Giây và thị trấn Hiệp Phước tại kỳ họp thứ 7 (bất thường) HĐND tỉnh ngày 26-9-2018 (ảnh minh họa).

Việc thành lập thị trấn Dầu Giây sẽ tạo bước đi thuận lợi cho việc xác lập cơ sở pháp lý và khoa học về quản lý đất đai, phát triển đô thị và vùng nông thôn; tạo tiền đề và định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quá trình hiện đại hóa về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên hiện trạng sẵn có. Bên cạnh đó, khi hình thành thị trấn Dầu Giây thì nơi đây sẽ được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và xây dựng những cụm dân cư mới trên cơ sở các dự án quy hoạch của huyện Thống Nhất.

Riêng thị trấn Hiệp Phước, theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22-3-2016 thì xã Hiệp Phước nằm trong một phần của phân khu 4 được định hướng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội theo tiêu chuẩn đô thị. Với lợi thế là cửa ngõ đi vào huyện Nhơn Trạch và trung tâm huyện lỵ trong tương lai, thị trấn Hiệp Phước sẽ trở thành trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục; là đầu mối quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Nhơn Trạch và các địa phương lân cận. Hướng sắp tới sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương; đồng thời quy hoạch, đầu tư tôn tạo, tu bổ một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.

Chính quyền địa phương và người dân ở những xã thuộc thị trấn mới phải chuẩn bị những gì để địa bàn dân cư có thể nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của huyện, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đạt chuẩn đô thị; từng bước chuyển đổi mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị. Mặt khác phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với địa bàn đô thị để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ đúng hướng và đạt hiệu quả. Ngoài ra, ngân sách phân bổ hợp lý cho việc xây dựng các công trình trọng điểm trước mắt và lâu dài.

Về phía người dân cần đồng hành cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201810/thuc-day-do-thi-hoa-khu-vuc-tu-2-thi-tran-moi-2915349/