Thúc đẩy điện mặt trời áp mái KCN-KCX

Với thực trạng thủy điện và nhiệt điện thiếu nước, thiếu than khiến nguồn điện năng bị thiếu hụt trầm trọng, điện mặt trời (ĐMT) áp mái và năng lượng tái tạo đang được khuyến khích phát triển.

Nằm trong nhóm có lợi thế diện tích mái lớn, các doanh nghiệp (DN) trong KCN, KCX, KCNC TPHCM được đánh giá hưởng lãi kép khi đầu tư ĐMT áp mái.

Nhiều lợi thế

TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động 4,3-6,6kWh/m²/ngày. Số giờ nắng trung bình 6,8 giờ/ngày, thấp nhất 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3 và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như khu vực Bắc bộ. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM khá cao 1.581kWh/m²/năm, tương ứng 4,3kWh/m²/ngày, nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện rất lớn.

Lễ ký kết vận động các doanh nghiệp trong KCN-KCX sử dụng điện mặt trời.

Lễ ký kết vận động các doanh nghiệp trong KCN-KCX sử dụng điện mặt trời.

Bên cạnh lợi thế chung này, theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TPHCM (HBA), 17 KCN-KCX tại TPHCM có diện tích 4.141ha, trong đó có 2.700ha đất công nghiệp đã xây dựng 1.500 nhà máy, KCNC có 900ha với khoảng 80 nhà máy. Theo tính toán sơ bộ có khoảng 500-1.000ha diện tích mái nhà để lắp đặt ĐMT áp mái. “Với dư địa như vậy, các KCN, KCX, KCNC trở thành mục tiêu tương đối thuận lợi ngành điện lực TP đang quan tâm hỗ trợ, đấu nối, hòa lưới điện, với chỉ tiêu trước mắt 100MWp năm 2020 và 1.000MWp cho 5 năm tiếp theo” - ông Bé cho biết.

Có sẵn lợi thế về điều kiện thiên nhiên, diện tích mái lớn, song câu hỏi được nhiều DN quan tâm, là khi đầu tư ĐMT áp mái DN sẽ được hưởng lợi như thế nào. Lợi thế đầu tiên có thể nhìn thấy, là việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, DN với các đối tác, nhất là đối tác tại các thị trường châu Âu, nơi đề cao việc bảo vệ môi trường cũng như việc sử dụng năng lượng xanh, sạch. Khi ấy DN có thể nhận được đơn hàng với giá cao hơn hoặc nhận nhiều đơn hàng hơn. Đã có không ít DN đầu tư ĐMT áp mái vì lý do này.

Ngoài ra, DN có thể đảm bảo hiệu quả đầu tư của mình thông qua việc bán điện lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo chia sẻ của ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, nếu khách hàng không sử dụng điện trên hệ thống ĐMT áp mái, có thể bán lại cho EVN. Đây là điểm mới so với Quyết định 11 trước đây khách hàng phải sử dụng một phần từ hệ thống đã đầu tư. Giá bán EVN áp mái hiện nay (chưa bao gồm giá trị gia tăng) 1.940 đồng/kWh (tương đương 8,38 cents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của VNĐ với USD do NHNN công bố áp dụng cho ngày 31-12-2019 là 23.155 đồng/USD). Đây được xem là mức giá tốt đảm bảo hiệu quả đầu tư. Lý do chi phí đầu tư trong những năm qua đã giảm tới 40% trong khi giá điện chỉ giảm 10%.

Cùng đồng hành với DN

Lợi thế về điều kiện tự nhiên, lợi ích thu được sau khi đầu tư là điều đã được chỉ ra cho DN. Tuy vậy, không phải DN nào cũng đủ vốn, nắm rõ kỹ thuật… để đầu tư ĐMT áp mái. Đó là lý do HBA đã cho ra đời chương trình phát triển ĐMT áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCX-KCN TPHCM giai đoạn 2020-2024. Chương trình được sự hợp tác của Ban quản lý các KCN-KCX TPHCM (HEPZA) và EVN HCMC. Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ý HBA, nhấn mạnh chương trình đặt mục tiêu phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống ĐMT áp mái trong giai đoạn 2020-2024, với 1.000 DN thuộc các KCN-KCX-KCNC TPHCM hưởng ứng tham gia và lắp đặt hệ thống. Các DN tham gia sẽ được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, kết nối các định chế tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng mang đến giải pháp toàn diện về kỹ thuật cũng như tài chính. Đặc biệt sẽ được hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán ĐMT.

Các phương thức đầu tư ĐMT áp mái hiện nay rất đa dạng. Nếu DN muốn trực tiếp đầu tư có thể vay vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) có chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng DN và cá nhân, với tài sản đảm bảo chính là hệ thống ĐMT áp mái. Theo đại diện HDBank, tính đến tháng 3-2020, ngân hàng này đã cấp tín dụng cho nhiều dự án ĐMT áp mái trên cả nước, với số tiền 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, với DN có diện tích mái lớn có thể cho thuê mái hoặc hợp tác với nhà đầu tư/nhà cung cấp thiết bị. Nói rõ hơn về sự hợp tác này, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy, đã đưa ra phương thức cùng hợp tác với các DN có diện tích mái lớn tại các KCN, KCX, KCNC. Cụ thể BCG muốn đầu tư trọn gói sau đó chia sẻ lợi nhuận với DN tham gia hoặc trả tiền thuê mái cho DN. Việc chia sẻ lợi nhuận có thể thông qua việc bán điện cho DN với giá giảm theo tỷ lệ chiết khấu % nhất định. Thậm chí nếu nhà xưởng nào mái cũ cần đầu tư thay mới, BCG có thể hợp tác cùng DN với nhiều phương thức có lợi cho cả 2 bên.

Theo đánh giá ban đầu của Ban chủ nhiệm chương trình phát triển ĐMT áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCX-KCN TPHCM, nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược, hoạt động này sẽ giúp giảm 10-15% lượng điện năng tiêu thụ, giảm 23 triệu tấn khí CO2. TPHCM là trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm thương mại, công nghiệp, hộ gia đình… cao hơn so với các TP khác của Việt Nam. Dự kiến Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 tỷ kWh năm 2022, trong khi các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… có nhiều rủi ro và ảnh hưởng cao đến môi trường.

Vì thế việc phát triển các dự án ĐMT áp mái được xem là giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện. Đặc biệt DN, nhà xưởng khi tham gia sẽ nhận được nhiều lợi ích đã được nhắc tới, như tạo ra lợi nhuận từ mái nhà nhàn rỗi, sở hữu những chứng chỉ liên quan về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường có lợi cho hoạt động thương mại.

Ngành điện đang kiến nghị Chính phủ sớm đưa ra giá thu mua ĐMT áp mái cho năm 2021, thay vì giá mua hiện nay chỉ có hiệu lực tới 31-12-2020.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/thuc-day-dien-mat-troi-ap-mai-kcnkcx-81430.html