Thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân cho khoa học công nghệ

Theo chuyên gia, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực đầu tư của NSNN thì cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư cho khoa học công nghệ.

Năm 2019, tổng chi sự nghiệp cho KH&CN đạt 12.825 tỉ đồng

Theo TS. Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), khoa học và công nghệ (KH&CN) từ lâu đã có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Vai trò của KH&CN cũng đã được khẳng định trong các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước từ rất sớm với mức độ quan trọng được thay đổi theo từng thời kỳ nhất định. Quyết định 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu "Phát triển đồng bộ kinh tế xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực theo chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Để triển khai có hiêu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã xây dựng, ban hành nhiều nhóm cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức KH&CN, đổi mới cơ chế quản lý tài chính từ NSNN cho KH&CN...

TS. Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tài chính

TS. Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tài chính

Điều này thể hiện thông qua các văn bản quy phạm pháp luật như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN...Các cơ chế chính sách tài chính nhằm triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện, nguồn lực tài chính cho phát triển KH&CN đã được bố trí tăng dần trong những năm gần đây, theo đó trong năm 2019, tổng chi sự nghiệp cho KH&CN đạt 12.825 tỉ đồng, tăng khoảng 22% so với năm 2016.

Tuy nhiên, cũng theo TS Lê Hải Mơ, mặc dù các chính sách nhằm triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã từng bước thể chế hóa trong các ngành, lĩnh vực, KH&CN cũng đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng thực tế triển khai vẫn có một số vấn đề đặt ra như: Trình độ phát triển KH&CN còn thấp so với các nước trong khu vực; Số lượng tổ chức KH&CN nhiều nhưng quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả; Việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập còn chậm, cơ cấu chi cho phát triển KH&CN trong các tổ chức KH&CN còn chưa hợp lý, tỉ lệ chi thường xuyên còn cao.

Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu...Do đó, cần phải có đánh giá cụ thể về quá trình triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, để nhận diện các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những hạn chế trên.

Cần sử dụng hiệu quả NSNN đầu tư cho KH&CN

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, bà Nguyễn Thùy Linh, đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, đến nay hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài chính cho việc thúc đẩy phát triển của hoạt động KH&CN ngày càng hoàn thiện.

Nguồn lực đầu tư cho KH&CN bước đầu được đa dạng. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển KH&CN tiếp tục được mở rộng và tăng cường, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có kết quả các nhiệm vụ về phát triển KH&CN nói riêng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, mặc dù điều kiện NSNN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bố trí chi NSNN cho phát triển hoạt động KH&CN luôn ưu tiên năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Tổng dự toán chi NSNN sự nghiệp KH&CN giai đoạn 2016 - 2019 đã được Quốc hội thông qua tại các nghị quyết về về phân bổ ngân sách hàng năm là 46.729 tỷ đồng.

Cần thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân cho khoa học công nghệ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, hàng năm chi cho KH&CN còn được bố trí trong chi quốc phòng, an ninh, đặc biệt và chi từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực đầu tư của NSNN, thì cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư cho KH&CN, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN đầu tư cho KH&CN. NSNN cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong chiến lược phát triển KH&CN, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách và những lĩnh vực công ích do Nhà nước quy định.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế gắn kết giữa nguồn kinh phí NSNN dành cho nghiên cứu KH&CN với nguồn kinh phí để ứng dụng, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, phục vụ nâng cao năng suất chất lượng, tăng hiệu quả và cạnh tranh.

Bà Linh cũng đề xuất Bộ KH&CN nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN (giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu các nhiệm vụ KH&CN) để đảm bảo thống nhất về cơ chế quản lý các sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN (trong đó có kinh phí nghiên cứu KH&CN).

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng thông qua quy trình lựa chọn khách quan, phù hợp với từng loại hình hoạt động KH&CN.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thuc-day-dau-tu-tu-khu-vuc-tu-nhan-cho-khoa-hoc-cong-nghe-d158719.html