Thúc đẩy đam mê sáng tạo

Nhờ chức năng đặc biệt về truyền thông, việc giới thiệu, quảng bá nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật trên các cơ quan báo đã tạo 'cú hích' đưa các tác phẩm này trở thành những hiện tượng xuất bản với số lượng bản in vượt trội và đến được với người dân ở mọi nơi. Đặc biệt, thông qua hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, báo chí đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự sáng tạo của giới sáng tác văn học, nghệ thuật và định hướng thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng.

Có thể nói, báo chí có sự quan tâm nhất định tới hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật. Nhiều cơ quan báo chí đã thường xuyên dành thời lượng, dành “đất” cho các tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật. Nhờ đó, công chúng được gợi mở về những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong đời sống để chọn lựa, thưởng thức...

Tuy nhiên, gần đây, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí có phần trầm lắng, thiếu sức hấp dẫn với bạn đọc. Tính định hướng, tính phê bình trong một số tác phẩm chưa rõ nét, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống xã hội.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân như một số báo thu hẹp các trang báo, chuyên mục dành cho phê bình văn học, nghệ thuật để dành "đất" cho những thông tin nhanh, vấn đề mới, nóng; đội ngũ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế nhiều mặt.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí sẽ góp phần đắc lực cho việc định hình những xu hướng sáng tác mới, thúc đẩy sự sáng tạo của giới làm nghề, cũng như định hình nhu cầu thưởng thức, giải trí lành mạnh của công chúng. Sâu xa hơn, từ đó sẽ góp phần bảo vệ cái hay, cái đẹp, đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Với nhiệm vụ nặng nề ấy, rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện đại, khoa học; tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo của các nhà phê bình. Đồng thời, củng cố và phát huy môi trường phê bình lành mạnh, dựa trên tinh thần tranh luận dân chủ, khách quan, trung thực về mọi vấn đề đặt ra trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí đóng vai trò quan trọng, tác động đến đời sống tinh thần của xã hội. Do đó, các cơ quan báo chí cần quan tâm, chú trọng hơn nữa. Ở đây là cần tăng tính hấp dẫn cho các trang, mục, chuyên đề để thu hút bạn đọc. Muốn làm được điều này đòi hỏi một sự lao động nghiêm túc của người viết, phải luôn tìm tòi, nắm bắt được những tác phẩm mới, xu hướng mới đang thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó có cách nhìn nhận sâu sắc, khách quan, toàn diện. Làm được như thế, người viết phê bình phải hiểu biết sâu rộng, có trí tuệ và nhạy bén. Đặc biệt, phải có bản lĩnh vững vàng để đưa ra đánh giá xác đáng, thuyết phục.

Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí cần quan tâm đào tạo, xây dựng cho được đội ngũ người làm phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Cùng với đó là có cơ chế để nuôi dưỡng, truyền giữ, thúc đẩy ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm nhà báo để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động này.

Về phía các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng nên tăng cường giới thiệu với cơ quan truyền thông những tác phẩm mới, tác phẩm hay. Sự tương tác này sẽ tạo cầu nối, giúp hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí phát huy được sức mạnh, góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/978260/thuc-day-dam-me-sang-tao