Thúc đẩy cơ chế một cửa: Cơ hội thu hẹp khoảng cách?

Trong Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: 'Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia'...

Trong Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đồng thời, “Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa thông thoáng giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) vươn mình mạnh mẽ ra thị trường quốc tế. Thúc đẩy hoàn thành nhanh cơ chế một cửa cũng là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách về cải cách hành chính với các nước trong khu vực.

Tăng kết nối thủ tục, giảm thời gian thông quan

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN tổ chức sáng 24/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, mới đây, các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay, số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.

Đến ngày 15/7/2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục).

Còn về cải thiện môi trường kinh doanh, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN, đặc biệt là giảm chi phí đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

“Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, chỉ số cải cách thủ tục hành chính là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải làm quyết liệt, làm liên tục để cải thiện hơn nữa chỉ tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng hành lang pháp lý

Bộ Tài chính cũng thừa nhận kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp (mới đạt 53 trên tổng số 283 thủ tục). Phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập cho thấy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Bởi khi thực hiện một số thủ tục, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.

Chính thức được triển khai từ tháng 11/2014, đến ngày 15/7/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến cuối năm 2018 triển khai thêm 143 thủ tục. Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trích dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới để ghi nhận những kết quả tích cực của công tác này. Trung bình, chi phí thông quan cho một lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn, hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%). Bên cạnh đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN khiến cho DN “mừng rơi nước mắt”, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, so với mục tiêu thì NSW, ASW còn khoảng cách khá xa chưa được thu hẹp.

Hiện có thủ tục nhiều người dùng thì ít được bộ, ngành triển khai kết nối, có thủ tục ít người sử dụng thì sớm được kết nối. Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ thực tiễn, có lộ trình đưa thủ tục cần thiết vào kết nối cho phù hợp.

“Đối với cắt giảm mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành cũng cần có quy hoạch hiệu quả. Chúng ta đang quản lý theo nhóm mặt hàng, hiện chỉ cắt giảm ở nhóm có ít mặt hàng, còn những nhóm nhiều mặt hàng lại ít được cắt giảm”, TS. Cung chỉ rõ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm số lô hàng nhập khẩu (tính theo tờ khai hải quan) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn dưới 10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Sau đây, chúng ta sẽ ban hành Nghị định, Chương trình hành động thúc đẩy NSW, ASW, coi đó là văn bản quy phạm pháp luật để các ngành thực hiện nghiêm túc, khắc phục yếu kém, bất cập đã nêu. Đề nghị các cơ quan chức năng phải mang một sứ mệnh đề xuất những cải cách chính sách đột phá sâu rộng, chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Kiểm soát chống gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe người dân. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của DN”, Thủ tướng yêu cầu.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/thuc-day-co-che-mot-cua-co-hoi-thu-hep-khoang-cach-40920