Thúc đẩy chuyển đổi số trong các khu công nghiệp

Để phát triển, các nhà máy đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) phải không ngừng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Với xu thế chung của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp (DN) tăng lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu…

Để phát triển, các nhà máy đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) phải không ngừng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Với xu thế chung của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp (DN) tăng lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu…

Thành phố hiện có 17 KCX-KCN, khu công nghệ cao đang hoạt động với diện tích hơn 3.800 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 73%. Những năm qua, khu vực này có vai trò rất lớn, là động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiệu quả đầu tư của các KCX-KCN ở TP Hồ Chí Minh chưa cao và đang gặp sự cạnh tranh lớn từ các KCN ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Phó Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh Đào Xuân Đức, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh sẽ giúp các nhà máy tại KCX-KCN nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và an toàn trong lao động. Còn ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc phát triển ERP, Công ty Lạc Việt, thì cho rằng: “Chuyển đổi số trong DN nghĩa là vận hành bộ máy sản xuất - kinh doanh - tài chính - nhân lực trơn tru và hiệu quả nhờ sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Chuyển đổi số giúp quản trị hiệu quả trên từng khâu hoạt động, thúc đẩy tiến độ xử lý các công việc nhanh chóng, hợp lý. Phân tích dữ liệu giúp dễ dàng nắm bắt và đánh giá đúng tình hình đã và đang diễn ra mọi lúc mọi nơi để xử lý kịp thời, lập kế hoạch và hướng phát triển phù hợp…

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của DN nhưng hoạt động này vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là với DN nhỏ và vừa. Nhận thức về chuyển đổi số tại các DN còn khác nhau, nhiều DN có tâm lý e ngại, né tránh hoặc chưa dám tiếp cận do còn khó khăn về vốn, nhân lực.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc giải pháp NetSuite, Công ty BMT Việt Nam, lý giải: “Cái khó là chúng ta có nhiều DN đi lên từ thủ công. Những DN trẻ chịu thay đổi, còn những DN lâu đời lại chậm thay đổi công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, DN còn có khó khăn về nhân lực; chưa hình dung được sự thay đổi công nghệ như thế nào. Đây là trở ngại cho chuyển đổi số”.

Để giúp các DN tối ưu hóa hoạt động quản lý sản xuất, Công ty BMT Việt Nam đang giới thiệu giải pháp “Tối ưu quản trị DN sản xuất với Netsuite ERP”. Netsuite ERP là giải pháp thông minh giúp quản lý toàn bộ các lĩnh vực trong công ty từ khâu sản xuất, bán hàng, quản lý nhân sự, quản lý kho bãi…; kết nối các dữ liệu trong các phòng, ban khác nhau để lãnh đạo DN đưa ra quyết định tức thời, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ông Lê Văn Trung chia sẻ: “Theo tính toán của một DN, giải pháp Netsuite ERP đã giúp DN tăng doanh thu từ 30% đến 50%. Đó chỉ là mức đánh giá hữu hình. Khi được đồng bộ hóa thông tin, DN sẽ đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác trong kinh doanh. Điều này mang lại những giá trị vô hình khác, tạo nên sức cạnh tranh rất lớn cho DN. Do đó, hiệu quả giải pháp này đem đến lợi thế cực lớn khiến các DN không chỉ ở Việt Nam mà quốc tế cũng hướng đến”.

Tương tự, Công ty AES Việt Nam đang triển khai giải pháp DELMIA Apriso, là giải pháp quản lý và điều hành sản xuất (MES/MOM) của hãng công nghệ Dassault Systemes (Pháp). DELMIA Apriso đảm nhiệm chức năng chuyển đổi số hoạt động sản xuất phức tạp trong môi trường sản xuất thông minh, bao gồm các hoạt động: Tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, hoạch định lưu kho, bảo dưỡng thiết bị, phân bổ nhân lực và thời gian... Các dữ liệu được kiểm soát và đồng bộ hóa, giúp cho các cấp quản lý đưa ra những quyết định quan trọng và đúng lúc nhằm cải tiến chất lượng, giảm chi phí và nhanh chóng đưa ra sản phẩm mới theo xu hướng thị trường.

Tổng Giám đốc Công ty AES Việt Nam Nguyễn Ngọc Văn Thành cho biết: “Hiện nay, công ty chúng tôi đã triển khai giải pháp này cho ba DN tại Việt Nam. Đây là những DN có quy mô rất lớn chuyên sản xuất điện thoại thông minh, ti-vi và sản phẩm cơ khí. Khi áp dụng giải pháp DELMIA Apriso, DN có thể chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng khác một cách nhanh chóng nếu có kế hoạch mới, ít tốn kém chi phí hơn so với cách làm thông thường…”.

Từ thực tiễn ứng dụng giải pháp công nghệ cho hoạt động quản lý tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), mô hình đô thị xanh, thông minh đầu tiên của cả nước, QTSC giới thiệu các ứng dụng đang được triển khai thực tế ngay tại đây và mang lại hiệu quả lớn, phù hợp nhiều KCX-KCN. Đó là hệ thống quản lý ca-mê-ra thông minh (VMS); hệ thống kiểm soát và theo dõi bảo vệ (Migard); hệ thống giám sát điều hành QTSC IOC… Những hoạt động này đã góp phần nâng tầm QTSC trở thành một khu đô thị thông minh mang tầm khu vực và châu Á…

Để việc chuyển đổi số trong các KCX-KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có những bước đột phá trong thời gian tới, thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Sự vào cuộc của đội ngũ chuyên gia, cộng đồng DN và của lãnh đạo chính quyền thành phố, trong đó có các hoạt động triển lãm, hội thảo chuyên đề, sẽ giúp các nhà quản lý và DN có những trải nghiệm và cảm nhận thực tế về một số công nghệ mới được ứng dụng trong các KCN thông minh.

ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-cac-khu-cong-nghiep-623853/