Thúc đẩy chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Với mục đích đẩy mạnh thu hút nguồn vốn trong xã hội và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP), để bảo đảm sau cổ phần hóa (CPH), các CTCP mới này hoạt động và phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình...

Nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi

Bộ Tài chính cho biết, cả nước còn gần 58.000 ĐVSNCL với số lượng lao động hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, số lượng CPH chỉ được hơn 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số ĐVSNCL đang hoạt động. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSNCL thành CTCP đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh: Chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh.

Sau khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty Cổ phần Hapro trở nên hiệu quả hơn. Ảnh: VIỆT ANH

Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định về bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg dẫn chiếu tới quy định về CPH doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và doanh nghiệp là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành CTCP có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị. Phần lớn ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển đổi thành CTCP có quy mô nhỏ, tuy nhiên Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đang quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi. Quy định này tăng khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, hạn chế tính chủ động của cơ quan chủ quản và kéo dài thời gian chuyển các ĐVSNCL thành CTCP.

Siết chặt quy định bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc chuyển đổi các ĐVSNCL thành mô hình CTCP được xem như giải pháp hữu hiệu nhằm cải cách hành chính, giảm đầu mối tổ chức và tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, CPH còn có mục đích thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đã góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường chất lượng dịch vụ. Việc CPH, bán vốn Nhà nước tại những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số nhà đầu tư tìm cách để “bòn rút” tài sản nhà nước như trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam. Do vậy, phải xác định mục tiêu CPH là làm cho ĐVSNCL đó tốt lên và phát triển hơn so với trước đó, còn nếu chỉ để bán được vốn thì không phải là mục tiêu cuối cùng của CPH.

Theo PGS, TS Vũ Cương, Trưởng bộ môn Kinh tế Công cộng, Khoa Kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ĐVSNCL khác các tổ chức dịch vụ thông thường ở chỗ đây không phải đơn thuần chỉ là doanh nghiệp vì lợi nhuận mà nhiệm vụ chính là phục vụ lợi ích cho xã hội. Do vậy, cần có quy định riêng với loại hình này khi tiến hành CPH. Nếu có chuyển đổi thì có thể chọn hình thức trở thành doanh nghiệp phi lợi nhuận để vẫn giữ vai trò đảm nhiệm các nhiệm vụ xã hội chứ không chỉ có mục đích kinh doanh đơn thuần. Về vấn đề quyền sử dụng đất của các ĐVSNCL khi chuyển đổi thành CTCP thì cần có điều kiện ràng buộc chỉ phục vụ lợi ích công, tránh lợi dụng tài sản nhà nước để kinh doanh.

Nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình chuyển đổi, Bộ Tài chính đề xuất 3 điều kiện mà ĐVSNCL cần đáp ứng để chuyển thành CTCP bao gồm: Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL, thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Về xác định giá trị ĐVSNCL, căn cứ tình hình, đặc điểm của ĐVSNCL, tổ chức tư vấn xác định giá trị ĐVSNCL lựa chọn các phương pháp xác định giá trị thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị ĐVSNCL. Giá trị ĐVSNCL và giá trị vốn Nhà nước tại ĐVSNCL được xác định không được thấp hơn giá trị được xác định theo phương pháp tài sản. So với quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg (chỉ áp dụng phương pháp tài sản khi xác định giá trị ĐVSNCL), đề xuất trên của Bộ Tài chính đã bổ sung thêm việc áp dụng các phương pháp khác theo pháp luật về giá và thẩm định giá để xác định giá trị ĐVSNCL.

Về đối tượng và điều kiện mua cổ phần, Bộ Tài chính yêu cầu đối tượng mua cổ phần của ĐVSNCL chuyển đổi gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các ĐVSNCL thuộc danh mục nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện sau: Có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hai năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; có ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công của ĐVSNCL chuyển đổi; có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của ĐVSNCL chuyển đổi về những nội dung việc duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của ĐVSNCL chuyển đổi, về việc không chuyển nhượng cổ phần được mua trong vòng 3 năm kể từ ngày CTCP được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính diễn ra ở London (Anh) vào đầu tháng 7-2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của nhà đầu tư nước ngoài và rất hoan nghênh các nhà đầu tư từ châu Âu và Anh tham gia tiến trình CPH ở Việt Nam. “Trên thực tế, ngoài lượng vốn đầu tư, các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt, công nghệ cập nhật đi cùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp CPH sẽ giúp các doanh nghiệp của chúng tôi cải thiện chất lượng hàng hóa của thị trường”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chi tiết hơn trong CPH, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Từ nay tới hết năm 2019, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới CPH, thoái vốn, trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong thẩm tra để Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành CTCP; báo cáo việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với lãi suất cao 14-16% có khả năng gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-chuyen-doi-don-vi-su-nghiep-cong-lap-thanh-cong-ty-co-phan-592789