Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á

Ngày 26/9, một loạt các quốc gia, tổ chức đã công bố chương trình quan hệ đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh Một Hành tinh ở New York lần thứ 2, nhằm hợp tác với các nước Đông Nam Á để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng.

Các cơ quan chính phủ gồm Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Bộ Môi trường - Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân của Đức (BMU); Bộ Kinh doanh, Chiến lược Năng lượng và Công nghiệp (BEIS) của Vương quốc Anh và các tổ chức từ thiện toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh vì một Hành tinh lần thứ 2.

Hiện nay, các nước Đông Nam Á hầu hết là các quốc gia đang phát triển, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng liên tục, ổn định, đáp ứng được nhu cầu năng lượng sẽ liên tục gia tăng trong những năm tới, đồng thời đáp ứng các Đóng góp quốc gia tự xác định (NDC) đối với Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu cần các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai chuyển dịch năng lượng.

Với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, vật liệu mới, chi phí năng lượng tái tạo đang liên tục giảm xuống, trong khí đó nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo chưa được khai thác ở Đông Nam Á, và những bài học rút ra từ việc tăng cường thâm nhập năng lượng tái tạo trên toàn cầu… là những cơ hội cho các nước Đông Nam Á đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và đáp ứng các cam kết đối với Hiệp định Paris.

Các quan hệ đối tác công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Một Hành tinh ở New York nhằm củng cố hỗ trợ quốc tế cho việc chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á, và giúp thúc đẩy các điều kiện thị trường phù hợp cho doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh trong khu vực có thể tăng cường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bà Catherine McKenna, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada cho biết: “Canada tự hào thực hiện các hoạt động trong và ngoài nước nhằm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Thực hiện quá trình chuyển dịch quan trọng và cần thiết sang nền kinh tế sạch và hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển dịch đó sẽ đảm bảo một tương lai khỏe mạnh và bền vững hơn cho con cháu của chúng ta. ”

Ông Jochen Flasbarth, thư ký cấp cao tại Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân của Đức (BMU) nhấn mạnh: “Hành động khẩn cấp là cần thiết ở Đông Nam Á nếu thế giới muốn thực hiện các cam kết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được đưa ra tại Paris năm 2015. Tuy nhiên, đẩy nhanh sự hấp thụ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cũng là một cơ hội vàng để đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài và nguồn cung cấp năng lượng an toàn, giá cả hợp lý cho các công dân Đông Nam Á trong tương lai. ”

Các quốc gia Canada, Pháp, Đức và Vương quốc Anh đã cam kết sẽ cung cấp các nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng.

Mặt khác, các tổ chức từ thiện toàn cầu - bao gồm Bloomberg Philanthropies, Quỹ đầu tư của trẻ em (CIFF), Quỹ ClimateWorks, Quỹ khí hậu châu Âu, Quỹ gia đình Growald, Quỹ William và Flora Hewlett, Quỹ IKEA, Quỹ OIF và Quỹ Biến đổi biển - đã đồng ý tận dụng các thế mạnh tương ứng của họ và tối đa hóa tác động tập thể, xây dựng và mở rộng quan hệ đối tác hiện có với khu vực. Quan hệ đối tác sáng tạo này sẽ cho phép hỗ trợ phối hợp và hành động nhanh hơn, và nhằm khuyến khích các chính phủ và các tổ chức từ thiện khác tham gia.

Michael R. Bloomberg, người sáng lập quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies kiêm đặc phái viên Liên Hợp Quốc về hành động chống biến đổi khí hậu, cho biết: “Đông Nam Á là nơi có các nền kinh tế đang phát triển và các công ty sáng tạo và có thể giúp lãnh trách nhiệm dẫn đầu toàn cầu trong việc áp dụng năng lượng sạch và giảm nhiên liệu hóa thạch”. “Điều đó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các thành phố và quốc gia trong khu vực, bằng cách giảm ô nhiễm không khí gây chết người và tạo ra việc làm mới. Quan hệ đối tác công tư có thể giúp gia tăng tốc độ, và tổ chức của chúng tôi rất vui khi đóng một vai trò trong việc này. ”

Ngài Christopher Hohn, đồng sáng lập CIFF, cho rằng: “Sự hợp tác này sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á bằng chứng và chuyên môn cần thiết để chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Bằng cách đó, khu vực có thể đóng góp thiết thực để đạt được các mục tiêu đặt ra tại Hiệp định Paris và đảm bảo sự phát triển kinh tế và thịnh vượng liên tục.”

Đáp lại, ông Loren Legarda, Thượng nghị sĩ Philippines, nói: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết này từ cộng đồng tài trợ từ thiện và khí hậu nhằm hỗ trợ các nỗ lực của đất nước chúng tôi chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn. Sự hợp tác này tiếp tục khuyến khích chúng ta chuyển đổi và suy nghĩ lại cách chúng ta nên xây dựng lại năng lượng và cơ sở hạ tầng, hướng tới một con đường mới nơi con người và các cộng đồng của chúng ta thực sự có thể tồn tại và phát triển.”

Ông Bambang Brodjonegoro, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia cũng bày tỏ hoan nghênh với các công bố nêu trên và tuyên bố nhấn mạnh: “Indonesia sẵn sàng chuyển sang một tương lai carbon thấp mang lại an ninh kinh tế và môi trường, và giúp thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và những mục tiêu đặt ra tại Hiệp định Paris. Chúng tôi hoan nghênh các đối tác như thế này có thể giúp đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu của chúng tôi và xúc tiến đầu tư. ”

Về phía Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh - Đồng chủ tịch của Đối tác toàn cầu về các chiến lược phát triển khí thải thấp, Cục Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra quan điểm: “Là đồng chủ tịch Diễn đàn Đối tác Toàn cầu về Chiến lược Phát triển Phát thải (LEDS GP) và đồng chủ tịch của nhóm công tác Tài chính, chúng tôi muốn hỗ trợ các ý tưởng đưa các bên liên quan này lại với nhau - đặc biệt trong việc tận dụng các khoản đầu tư và kết nối các quỹ toàn cầu để hỗ trợ và tài trợ cho các dự án có thể được ngân hàng cho vay."

Các tuyên bố trên cho thấy xu thế dịch chuyển năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu thế toàn cầu. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho các bước chuyển dịch năng lượng như kỹ thuật công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kế hoạch đầu tư…

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-day-chuyen-dich-nang-luong-dong-nam-a-516075.html