Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn

Sáng 21/3, tại Thành phố Huế diễn ra Tọa đàm 'Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn'. Sự kiện do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp Quốc phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Dân tộc cổ truyền, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, Đại học Nông lâm Huế, Công ty Cổ phần Dược khoa và Trường ĐH Dược Hà Nội tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm có 70 đại biểu đến từ 20 tỉnh/ thành phố và các cơ quan, đơn vị như Văn phòng Nông thôn mới Quốc gia, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Môi trường; Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện khoa học Lâm nghiệp, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng 16 các hợp tác xã OCOP và các công ty dược…

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, phát biểu tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm “Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn” tập trung vào ba mục tiêu chủ đề chính, bao gồm: Thứ nhất là trao đổi của các chuyên gia phát triển cộng đồng về vấn đề liên kết kinh tế tập thể Hợp tác xã (HTX) nhằm hình thành và phát triển các HTX có mô hình tổ chức, một số “quy luật”, phát triển nhân lực. Thứ hai là lấy ý kiến của các chuyên gia thị trường về vấn đề phát triển sản phẩm, phát triển kênh thị trường (HTX tự làm và liên kết với doanh nghiệp), sản phẩm OCOP và du lịch, vai trò của nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước. Thứ ba, qua buổi tọa đàm sẽ trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong huy động nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và CSOs.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã xác định rõ, nhờ tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất bền vững, sản phẩm từ bảo tồn ngày càng có chất lượng với quy trình sản xuất chung có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan đã giải quyết bài toán thị trường hiệu quả. Cho thấy, chuỗi giá trị bền vững không chỉ có ý nghĩa sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao cạnh tranh cho người dân và doanh nghiệp mà còn đặc biệt đóng góp lớn vào công tác bảo tồn khi người dân giảm được áp lực phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn”, ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: “Tôi hoàn toàn nhất trí với ba mục tiêu của buổi hội thảo. Nội dung hội thảo rất cần thiết và phù hợp với nhiệm vụ phát triển bền vững nói chung và phát triển nông thôn Việt Nam vì một nông thôn thịnh vượng, nông thôn phát triển xanh, bền vững về văn hóa và đa dạng sinh học, quan trọng vì sự phát triển của con người ở khu vực nông thôn. Kết quả trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới không chỉ đóng góp vào sự phát triển đối với khu vực nông thôn mà còn mang giá trị sâu sắc về bảo tồn các giá trị tự nhiên, cũng như các giá trị văn hóa của các dân tộc, các vùng miền. Đồng thời có các biện pháp tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn.

Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Văn Ơn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, Cố vấn Chương trình OCOP Quốc gia đã nhấn mạnh đến vấn đề phát triển sản phẩm, phát triển kênh thị trường (HTX tự làm và liên kết với doanh nghiệp). Nhấn mạnh về vai trò của HTX trong thời kỳ hội nhập, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho biết: Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng, từ thấp đến cao, như tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ sản xuất, các hội nghề,... trong đó HTX là nòng cốt, là một tổ chức tập hợp và liên kết rộng rãi các cá nhân, các hộ sản xuất, kinh doanh, các pháp nhân. Bên cạnh sở hữu của các thành viên, còn dựa trên sở hữu tập thể và được quản lý dân chủ.

PGS.TS. Trần Văn Ơn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, Cố vấn Chương trình OCOP Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm

Cũng theo PGS. TS. Trần Văn Ơn, HTX sẽ giúp những người lao động, những người sản xuất nhỏ tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống của họ, đủ sức cạnh tranh và chống lại sự chèn ép của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn. Đây cũng là phương thức để bảo đảm lợi ích và xây dựng vị thế của họ trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu đã bàn về các chiến lược phát triển nông thôn theo không gian lãnh thổ và vùng kinh tế; Chiến lược sản xuất nông nghiệp thông minh, hữu cơ và Chiến lược phát triển 3 trục sản phẩm. Đồng thời, các đại biểu cũng đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn.

Định hướng chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam đến năm 2030, ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh Văn phòng điều phối Trung ương đưa ra ba chiến lược phát triển chính. Bao gồm chiến lược phát triển nông thôn theo không gian lãnh thổ và vùng kinh tế: Theo đó sẽ phát triển nông thôn theo trục dọc (1) Bắc – Nam, được tổ chức không gian phát triển theo đường bờ biển và Quốc lộ 1A, cho khu vực đồng bằng và ven biển; Theo trục dọc (2) Bắc - Nam, được tổ chức không gian phát triển theo Quốc lộ 15 (đường Hồ Chí Minh), cho khu vực trung du và miền núi; Phát triển nông thôn trục ngang trọng tâm theo 3 Tây: Vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (trong giai đoạn 2020 - 2030) và các trục ngang khác sau 2030. Các dự án vùng du lịch – nông dược trọng điểm (ngoài vùng sản xuất nông nghiệp lớn, ngoài các cứ điểm công - nông nghiệp) theo các trục dọc và ngang đất nước.

Về chiến lược sản xuất nông nghiệp thông minh, hữu cơ, sẽ tổ chức về KHCN phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh. Lựa chọn đối tác quốc tế có trình độ để chuyển giao KHCN ở các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Đối với chiến lược phát triển 3 trục sản phẩm nông nghiệp, ông Thắng nhấn mạnh tập trung thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, để phát triển kinh tế nông thôn và phục vụ phát triển du lịch Việt Nam. Cụ thể, với sản phẩm thực phẩm, đồ uống; sản phẩm chăm sóc sức khỏe; sản phẩm dịch vụ Du lịch nông thôn; sản phẩm thời trang; sản phẩm trang trí, tinh thần; sản phẩm thỏa mãn tinh thần…

Song song với buổi tọa đàm, còn diễn ra buổi triển lãm sản phẩm được xây dựng chuỗi giá trị thành công theo các tiêu chuẩn như VietGap, Global Gap, Organic ...

Bàn về các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ bảo tồn, các đại biểu đều nhất trí phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, cho CEO nông dân. Bên cạnh đó cần tổ chức huy động nguồn lực đầu tư và tổ chức hệ thống, bộ máy thực hiện.

Song song với buổi tọa đàm, còn diễn ra buổi triển lãm sản phẩm gồm 20 gian hàng trưng bày nhằm giới thiệu và tạo cơ hội liên kết hợp tác 10 mô hình sản phẩm đã được xây dựng chuỗi giá trị thành công theo các tiêu chuẩn như VietGap, Global Gap, Organic đối với các sản phẩm nông nghiệp, tiêu chuẩn GACP – WHO đối với dược phẩm từ dự án được UNDP/GEF SGP tài trợ.

Các sản phẩm từ bảo tồn được trưng bày tại buổi triển lãm gồm: Thuốc người Dao, tinh dầu, cây bon bo, cây hương bài, thiên liên kiện, lúa Ra Dư trồng trên đất keo tràm… Bên cạnh các sản phẩm từ bảo tồn, triển lãm còn giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp từ một số mô hình phát triển sinh kế, du lịch và cải thiện thu nhập nhằm góp phần thúc đẩy bảo tồn như: tôm sinh thái, lạc, sắn, sò lông…

THANH HẬU

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/thuc-day-chuoi-gia-tri-cho-cac-san-pham-tu-bao-ton-d2064339.html