Thúc đẩy Cách mạng 4.0 với những sáng tạo vượt bậc

Triển lãm Robot quốc tế Singapore (SIRE), trở lại năm nay trong hai ngày 1 – 2/11 với mục tiêu thúc đẩy những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những sáng tạo vượt bậc.

Sự kiện hàng đầu của khu vực dành cho công nghệ robot, Triển lãm Robot quốc tế Singapore (SIRE), trở lại năm nay trong hai ngày 1 – 2/11 với mục tiêu phát triển các thế hệ công nghệ robot kế tiếp của Singapore, cũng như thúc đẩy những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những sáng tạo vượt bậc.

Diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Sands, lần tổ chức thứ ba của SIRE quy tụ hơn 3.000 người tham dự và hơn 100 công ty triển lãm. SIRE 2018 cung cấp một chương trình tổng thể và tích hợp cho tất cả các bên liên quan của cộng đồng công nghệ robot - từ thông tin cho giới lãnh đạo và hoạch định chính sách đến cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp, từ các giải pháp sáng tạo các nhà đầu tư đến các phiên trao đổi học thuật cho giới chuyên gia.

Một nội dung quan trọng tại SIRE năm nay là việc giới thiệu loạt robot tự chuyển đổi do Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) phát triển với sự hỗ trợ của Văn phòng Chương trình nghiên cứu và phát triển robot quốc gia (NR2PO).

Những robot này hoạt động theo nguyên lý tự cấu hình thông minh thông qua sao chép khả năng thích nghi và phản ứng của con người. Chúng có thể cấu hình lại hoặc tự chuyển đổi để thích nghi với môi trường hoặc khi gặp trở ngại, từ đó đưa việc ứng dụng robot lên một tầm cao mới, tích hợp các yếu tố như Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, hội nghị còn bao gồm các nội dung quan trọng khác liên quan tới ngành robot như môi trường khởi nghiệp và đầu tư vốn mạo hiểm, chuỗi cung ứng và logistic, hay vai trò của phụ nữ.

Các nội dung này tái khẳng định quyết tâm theo đuổi hướng tiếp cận chuỗi giá trị đầy đủ của Chương trình Robot quốc gia Singapore, qua đó không chỉ tập trung thúc đẩy phát triển công nghệ robot hiện đại mà hướng tới hỗ trợ toàn quá trình từ thử nghiệm đến cấp bằng sáng chế và thương mại hóa các công nghệ mới.

SIRE là sáng kiến nhấn mạnh tới cơ hội: cơ hội để những người tham dự mở rộng mạng lưới kinh doanh, khám phá các giải pháp hữu ích hoặc thu được những hiểu biết chuyên sâu về ngành robot.

Tham vọng của SIRE là trở thành một trung tâm cơ hội của khu vực, là nơi quy tụ các chuyên gia trong ngành và quốc tế, mở ra cơ hội để khai thác nguồn tài nguyên công nghệ và con người, thúc đẩy tăng trưởng ngành robot, và đưa Singapore trở thành một trung tâm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp robot và tự động hóa.

Với mục tiêu là chia sẻ, tìm kiếm giải pháp cho các thách thức kinh tế và xã hội, cùng kiến tạo giải pháp và xây dựng quan hệ đối tác, SIRE mong muốn trở thành một sân chơi nơi mọi người được tạo điều kiện gặp gỡ, kết nối và chuyển đổi.

Khi ngành công nghiệp chuyển dần theo hướng giảm chi phí và tăng tính linh hoạt nhờ ứng dụng công nghệ robot, điều quan trọng là tập hợp cộng đồng, giúp họ tăng cường đối thoại về cơ hội kinh doanh và ứng dụng rộng rãi robot.

SIRE 2018 được lấy cảm hứng từ Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung sâu vào các công nghệ “Robot tự động”. Khởi điểm của sân chơi này là niềm tin vào tiềm năng lớn trong ứng dụng robot trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó mở khóa nhiều cơ hội để thành công trong kinh doanh.

Đặt trong bối cảnh năng động của những đổi mới công nghệ nhanh chóng và sự tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chủ đề năm nay của SIRE chú trọng tới “Nắm bắt cơ hội trong thời đại của thay đổi”.

Khẩu hiệu trên hòa nhịp với tâm lý của chung nhiều nền kinh tế thế giới về việc bắt kịp và đón đầu xu thế tự động hóa và robot hóa, được dự báo sẽ thay đổi diện mạo của thị trường lao động và sản xuất toàn cầu trong thời gian tới, nhờ vào xung lực từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư) đã khiến những khái niệm xa vời của thế kỷ trước như robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên gần gũi hơn bao giờ hết và trở thành động lực quan trọng của tiến trình tự động hóa và robot hóa, vốn từ lâu đã là một xu hướng nổi bật trong ngành sản xuất, giúp tăng năng suất và giảm chi phí.

Số liệu thống kê năm 2016 của Liên đoàn Robot quốc tế (International Federation of Robotics) cho thấy tốc độ robot hóa trong lĩnh vực công nghiệp toàn cầu đang đạt đến ngưỡng cực nhanh. Trong đó, Singapore xếp thứ hai với tỷ lệ triển khai 488 robot/10.0000 lao động.

Nước đi đầu là Hàn Quốc với mật độ 631 robot/10.000 lao động, trong khi Đức và Nhật Bản, hai nền kinh tế nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô, cùng xếp vị trí thứ ba với mật độ hơn 300 robot/10.000 lao động. Có thể nói, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Cách mạng công nghiệp 4.0 và robot cùng tự động hóa là một chiến lược bản lề để các nước theo kịp với xu hướng toàn cầu, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.

Một thực tế không thể tranh cãi là làn sóng robot hóa và tự động hóa nói riêng cũng như Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục tiến đến như một xu thế không thể đảo ngược.

Báo cáo Đổi mới toàn cầu 2018 của General Electric, một trong những công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới, thu thập ý kiến của hơn 4.000 nhà lãnh đạo và những người quan tâm ở 23 quốc gia cho thấy có 70% số người kỳ vọng vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 85% tin rằng những đổi mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, 64% sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện đổi mới và chỉ 17% lo ngại về tác động tiêu cực đối với người lao động.

Trong bối cảnh đó, việc nhận thức và nắm bắt những cơ hội của ngành robot và tự động hóa nói riêng cũng như cuộc Cách mạng 4.0 nói chung mà SIRE nêu ra là một nhu cầu cấp thiết./.

Minh Ngọc/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thuc-day-cach-mang-4-0-voi-nhung-sang-tao-vuot-bac/100163.html