Thúc đẩy bình đẳng giới xây dựng nông thôn mới

Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM). Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của chương trình. Tuy nhiên, công tác lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong chương trình này nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tại khu vực miền núi, phụ nữ là lao động chính, sản xuất và buôn bán nông sản phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Tại khu vực miền núi, phụ nữ là lao động chính, sản xuất và buôn bán nông sản phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Chỉ có 1 chỉ tiêu về giới

Ông Nguyễn Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, đến tháng 3-2020, cả nước đã có hơn 56% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; 9 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. “Đây là những kết quả kết tinh từ sự quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của cán bộ các ngành, các cấp, đặc biệt là tham gia tích cực, chủ động của người dân” - Ông Lam nói.

Qua theo dõi 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Phụ nữ có đóng góp rất tích cực trong xây dựng NTM. Phụ nữ là nguồn nhân lực lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, nhất là trong xu hướng đô thị hóa và chuyển dịch lao động, nhiều nam giới từ nông thôn ra thành thị thì lực lượng lao động chính ở một số vùng nông thôn chủ yếu là phụ nữ.

Phụ nữ đang tham gia trực tiếp và vận động người thân trong gia đình xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ chính quê hương của mình. Họ tham gia bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn đưa ra thị trường. Nhiều phụ nữ đã hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa và là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn...

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Thu Thủy, Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về xây dựng NTM, nhưng công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ. Trên thực tế, vấn đề giới đã bị bỏ qua trong thiết kế Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015.

Giai đoạn 2016 - 2020, vấn đề giới được đưa vào chương trình như một tiêu chí “chuyên đề hẹp” bằng chỉ tiêu 18.6: “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” - 1 trong 49 chỉ tiêu của 19 tiêu chí xây dựng NTM cấp xã. Hệ quả của cách tiếp cận “chuyên đề hẹp” là vấn đề giới đã không được cân nhắc xuyên suốt trong các tiêu chí xây dựng NTM còn lại. Vấn đề giới cũng không được đưa vào trong hai bộ tiêu chí xây dựng NTM “nâng cao” và “kiểu mẫu”.

Cần lồng ghép giới trong tất cả các tiêu chí

Cơ quan phát triển phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN Women) ước tính, tổn thất chi phí do bạo lực gia đình có thể chiếm khoảng 1,4% GDP và tổn thất năng suất lao động xấp xỉ 1,78% GDP của Việt Nam. Chính vì vậy, thu hẹp khoảng cách giới trong kinh tế lao động và việc làm, với tâm điểm là tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ các dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế và thị trường lao động là mục tiêu thứ hai trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020.

Một trong những khuyến nghị quan trọng mà UN Women đưa ra đối với Việt Nam là vấn đề giới cần phải được giải quyết như là một biến kinh tế - xã hội mang tính xuyên suốt trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình MTQG xây dựng NTM. Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng NTM cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của chương trình, chứ không chỉ hạn chế trong các hoạt động nhằm thực hiện chỉ tiêu 18.6.

Tiến sĩ Phạm Thái Hưng, chuyên gia của UN Women nhấn mạnh: “Trước tiên, cần quy định mức tối thiểu đối với tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các cuộc họp lập kế hoạch có sự tham gia của các bên để xác định các ưu tiên trong khuôn khổ Chương trình MTQG xây dựng NTM. Liên quan đến cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, việc xác định ưu tiên, thiết kế và thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng cần cân nhắc đảm bảo lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới.

Về lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách đưa ra các “hành động tích cực” đảm bảo mức độ tham gia của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Cùng với đó, cần sửa đổi tiêu chí giáo dục và y tế để đảm bảo rằng tỉ lệ hoàn thành tiêu chí đối với phụ nữ và trẻ em gái không thấp hơn nam giới và trẻ em trai. Đối với các tiêu chí khác liên quan đến hộ gia đình hoặc cá nhân, có thể điều chỉnh nhằm đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều được ghi nhận như nhau đối với việc hoàn thành các tiêu chí đó”.

Ông Hưng cũng cho rằng, cần có ngân sách riêng phân bổ cho hoạt động liên quan đến giới trong ngân sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong các quy trình xây dựng kế hoạch cũng như trong quản lý chương trình bao gồm cả giám sát và đánh giá.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-xay-dung-nong-thon-moi-post429921.html