Thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền Phụ nữ Việt Nam

Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến 25/10, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), Đại diện quốc gia về quyền trẻ em tại Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) cho biết, quá trình hội nhập ASEAN hiện nay đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong việc tiến tới bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển chung của khu vực luôn được khẳng định và đánh giá cao.

Việt Nam là thành viên tích cực trong hợp tác ASEAN về lĩnh vực phụ nữ

Việt Nam được đánh giá là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong hợp ASEAN nói chung và hợp tác ASEAN về lĩnh vực phụ nữ nói riêng. Cùng với những nỗ lực chung của khu vực, Việt Nam luôn chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên với những chương trình, hoạt động ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Cụ thể vào năm 1997, tuy là nước thành viên mới, nhưng Việt Nam đã tham gia ngay vào dự án hợp tác chuyên ngành ASEAN về “Mạng lưới đào tạo kỹ năng cho phụ nữ ASEAN”. Thông qua dự án, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc tăng cường cơ hội việc làm cho chị em. Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực và chủ động phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các đầu mối quốc gia khác về tiến độ hoạt động của các chương trình, dự án, nộp các báo cáo, đóng góp cho các văn bản nhiều ý kiến chất lượng và đúng thời hạn.

Bà Hà Thị Minh Đức cho biết, từ năm 2007, Bộ LĐ-TB&XH được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Vụ Bình đẳng giới được thành lập trực thuộc Bộ và Ủy ban Quốc gia vì Sự Tiến bộ Phụ nữ được kiện toàn (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia). Năm 2014, Việt Nam tổ chức thành công Lễ Thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN). Sáng kiến thành lập AWEN do Việt Nam khởi xướng và điều phối đã góp phần cụ thể hóa cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong lực lượng lao động bằng việc nâng cao kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân nữ trong khu vực. Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Mạng lưới từ năm 2014-2016, Việt Nam đã giúp AWEN trở thành một Mạng lưới của các doanh nhân nữ, tổ chức, hiệp hội của phụ nữ, doanh nhân nữ trong khu vực, hoạt động với mục đích tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và đề xuất các sáng kiến nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế và thương mại hướng tới bình đẳng giới, tăng cường quyền năng và kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ trong Cộng đồng; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của các bên đối với vấn đề phụ nữ làm kinh doanh trong khu vực.

Trong giai đoạn 2016 – 2020,kế hoạch Công tác của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) được hoàn thiện ghi nhận nỗ lực lớn của các nước thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam được đánh giá rất tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Theo đó, Việt Nam chủ trì 3 hoạt động bao gồm: Hội thảo khu vực về bình đẳng giới và việc làm bền vững; Chia sẻ các chính sách và các thực tiễn nhằm nâng cao khả năng của doanh nhân nữ trong việc tiếp cận tài chính, sản xuất và tiếp thị; Diễn đàn khu vực về các chính sách an sinh xã hội tập trung cho phụ nữ cao tuổi và già hóa.

Đây là các hoạt động mang tính chiến lược, cũng là những ưu tiên của khu vực.Trên bình diện khu vực, các nước ASEAN đều đã phê chuẩn Công ước CEDAW và một số Công ước ILO liên quan đến bình đẳng giới, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động để đưa các nội dung này vào cuộc sống. Các ưu tiên của ASEAN về việc làm bền vững và bình đẳng giới đã được thể hiện cụ thể trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, Tuyên bố về Phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em, Tuyên bố Viên-chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN…Do đó, việc chủ trì thực hiện các hoạt động này của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế và ưu tiên không chỉ của Việt Nam nói riêng mà của tất cả các nước thành viên ASEAN nói chung.

Trước đó, năm 2010, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với sự ra đời và thành lập của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Theo đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia nhằm đưa các ưu tiên/định hướng của Việt Nam liên quan tới quyền con người, quyền phụ nữ và trẻ em vào các dự thảo Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN thông qua tại cấp cao 17 tại Hà Nội năm 2010, Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em, Quy trình và thủ tục hoạt động của Ủy ban ACWC, Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2012 -2014, các dự án ưu tiên của Ủy ban, các hoạt động/dự án của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam luôn chủ động phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động của ACWC ở cấp quốc gia cũng như thực hiện các hoạt động cấp khu vực mà Việt Nam là đầu mối.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 2 tại Philippin

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 2 tại Philippin

Việt Nam đăng cai Hội nghị AMMW-3: Cơ hội thúc đẩy hợp tác về phụ nữ trong ASEAN

Năm 2018, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị AMMW lần thứ 3 và các cuộc họp liên quan. Đây thực sự là trách nhiệm, thách thức, nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam thúc đẩy hợp tác về phụ nữ trong ASEAN. Hội nghị AMMW lần thứ 3 diễn ra trong bối cảnh các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Mặc dù vậy trong ASEAN hiện nay, nhiều chính sách vẫn còn bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới... Vì vậy, việc tăng cường hơn nữa an sinh xã hội cho phụ nữ rất cần được chú trọng.

Tại Việt Nam, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công thấp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả vấn đề các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn bán người.

Trong bối cảnh tốc độ già hóa trong khu vực ngày càng nhanh, với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, phụ nữ già cô đơn không nơi nương tựa thì những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi cũng là những nội dung cần phải được các nước thành viên chú trọng.Trước những mối quan tâm của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng liên quan đến việc tăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho Hội nghị AMMW lần thứ 3 năm 2018 và các cuộc họp liên quan là “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”.Theo đó, các Bộ trưởng Phụ nữ sẽ chia sẻ về những vấn đề liên quan đến an sinh và xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái của nước mình, đồng thời chia sẻ những quan điểm và mong muốn hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về Tăng cường An sinh xã hội đã được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua vào năm 2013.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội đã đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực khá gắn kết với mức độ và phạm vi hợp tác được nâng cao hơn nhiều so với trước đây và đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Cộng đồng ASEAN 2015 hướng tới mục tiêu một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN.

Để phát huy những kết quả đã đạt và đưa hợp tác ASEAN lên một mức mới toàn diện, sâu rộng hơn, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới rất cần được quan tâm cũng như chú trọng lồng ghép hơn nữa trên cả 3 trụ cột theo tinh thần mà Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch Tổng thể phát triển 3 trụ cột, hợp tác kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển từ nay tới năm 2025 đã nhấn mạnh.

Ở cấp quốc gia, bên cạnh những thành tựu về vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống; trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới; về mặt chăm sóc sức khỏe, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn tồn tại khá nghiêm trọng...

Vì vậy, trong hợp tác ASEAN, để thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ hơn nữa các quyền của phụ nữ, Việt Nam chú trọng một số hoạt động cụ thể như: Chủ động thúc đẩy, triển khai thực hiện các sáng kiến, hoạt động thuộc khuôn khổ các Kế hoạch công tác của ACW, ACWC do Việt Nam chủ trì; Tăng cường trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm giữa các nước thành viên ASEAN; Tích cực tham gia giải quyết những vấn đề chung của ASEAN, đồng thời chú trọng những vấn đề nóng trong nước; tìm cách lồng ghép, đưa các ưu tiên của Việt Nam vào những sáng kiến, hoạt động chung của khu vực.

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hop-tac-ve-phu-nu-trong-asean-thuc-day-binh-dang-gioi-va-bao-ve-quyen-phu-nu-viet-nam-d83415.html