Thúc 'cỗ xe tam mã': 'Chìa khóa' để đảm bảo tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 (ngày 7/7/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng như 'cỗ xe tam mã' nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2020. Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, đây là chỉ đạo quan trọng cho phương châm hành động những tháng còn lại của năm, nhưng mỗi vấn đề lại sẽ có những khó khăn và thuận lợi riêng cần phải vượt qua.

chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong

chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong

Theo ông, 3 lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng có vai trò như thế nào đối việc việc phục hồi kinh tế?

- Như chúng ta đã biết, dịch Covid-19 đã, đang tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam đã nhanh chóng dập dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng, nhưng trên thế giới, những tác động này vẫn còn kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu kết thúc. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị để khôi phục lại nền kinh tế, với những giải pháp rất cụ thể, giao nhiệm vụ đến từng bộ, ngành… nhằm phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất. Nên “cỗ xe tam mã”, như Thủ tướng nói, sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, mỗi “con ngựa” kéo này sẽ đóng góp thành "chìa khóa" cho những vấn đề khác nhau của tăng trưởng kinh tế.

Nước ta đang có lợi thế lớn nhất là đã cơ bản chống được đại dịch, điều này không chỉ giúp hoạt động kinh doanh được bình thường mà còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, thu hút đầu tư. Nếu các kênh đầu tư, xuất khẩu được mở ra thì các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ dịch chuyển dòng vốn nhiều hơn vào Việt Nam, từ đó kéo theo sức tăng trưởng về tiêu dùng trong cả người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông, những khó khăn nào có thể cản đường “cỗ xe tam mã” này?

- Hiện nay, nhiều quốc gia lớn trên thế giới vẫn đang trong cao điểm về dịch bệnh, nên việc mở cửa thị trường, bình thường hóa các quan hệ thương mại sẽ khó khăn hơn. Do đó, hoạt động đầu tư, xuất khẩu ít nhiều gặp khó khăn. Đây đều là những nguyên nhân khách quan, chúng ta không thể quyết định được. Không những thế, theo tôi, hoạt động xuất khẩu hiện nay và về sau sẽ còn khó khăn bởi những hàng rào kỹ thuật mới mà nhiều nước đặt ra để phòng ngừa dịch bệnh. Các doanh nghiệp trong nước lại thiếu về công nghệ, yếu về chất lượng, hạn chế tài chính… sẽ rất khó để vượt qua.

Hơn nữa, hiện nhu cầu tiêu dùng của người dân là có nhưng lại khó khăn về khả năng thanh toán, nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp cũng yếu vì sản xuất của doanh nghiệp khó khăn. Nên tầm quan trọng của tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng đã giảm, 6 tháng đầu năm mới chỉ tăng khoảng 5%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng từ 10-12%... Có thể nói, đây đều là những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ để giải quyết, trong khi lại phải phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới cả về ngắn hạn và dài hạn, chưa thể dự báo được.

Những giải pháp nào cần triển khai để thúc đẩy 3 “con ngựa” kéo này tiến lên, thưa ông?

- Tôi cho rằng, trong khó khăn cũng là lúc mà từng bộ, ngành, từng lĩnh vực kinh tế, từng doanh nghiệp phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Các ngành hàng, lĩnh vực cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… Các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế phải được các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt như chống dịch, như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh chống dịch phải chống cả “virus trì trệ”.

Như về xuất khẩu, Thủ tướng vẫn yêu cầu phải đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu năm nay đạt 500 tỷ USD; nhưng khó khăn là nhiều nước chưa mở cửa thị trường, buộc chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, mở ra những thị trường mới, khai thông thêm thị trường trước đây còn coi nhẹ. Thúc đẩy đầu tư thì phải tăng thêm nguồn vốn, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư… giúp tự do hóa đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và đầu tư, tăng đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA để làm đầu tư “mồi”, đầu tư kết nối cho các doanh nghiệp trong nước…

Đồng thời, chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và sắp thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để gia tăng xuất nhập khẩu, gia tăng thu hút vốn FDI, nhằm bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Về phía các doanh nghiệp, tự bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải đề ra những chiến lược sản xuất kinh doanh mới, những chiến lược kích thích thị trường nội địa trước để sớm phục hồi, tăng trưởng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu dùng. Những công việc này tuy nhiều nhưng phải làm ngay, làm quyết liệt, không làm không được.

Thủ tướng cũng đã nói ngành Tài chính phải đóng góp vào lực đẩy cho “cỗ xe tam mã”, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Trong và sau đại dịch, ngành Tài chính đang phát huy vai trò và trách nhiệm của mình để hỗ trợ và hồi phục nền kinh tế. Các chính sách tài chính để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi đã được thực hiện rất tốt, có những đột phá để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nên thời gian tới, các chính sách hỗ trợ về tài chính có thể phải tăng thêm, vì những khó khăn do dịch bệnh có thể kéo dài sang tận năm sau, nhiều quốc gia còn có chính sách hỗ trợ đến năm 2022. Nên Bộ Tài chính cần lưu ý về nguồn lực cũng như phương thức hỗ trợ như thế nào để hợp lý nhất, đúng và trúng đối tượng.

Ngoài ra, ngành Tài chính cũng cần tiếp tục bảo đảm nhiệm vụ thu chi ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách tốt để chi hỗ trợ tốt, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát của ngành Tài chính cũng rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhất là khi năm nay, lạm phát sẽ nghiêng về tiền tệ, khác với mọi năm là do giá cả hàng hóa. Vì thế, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc các chính sách nới lỏng tài chính – tiền tệ, nếu làm không tốt sẽ tạo tình huống tiền lưu thông quá nhiều nhưng không đúng mục đích, gây lạm phát cao. Do đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần phối hợp hài hòa, với mục tiêu chống lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-co-xe-tam-ma-chia-khoa-de-dam-bao-tang-truong-129711.html