Thực chiến vượt xa S-400, hệ thống phòng không Israel tiếp tục có hợp đồng lớn

Không phô trương hoành tráng như S-400, tuy nhiên các tổ hợp tên lửa phòng không do Israel sản xuất lại rất được tin cậy nhờ thành tích ấn tượng trong thực chiến.

Tờ Inside Defense vừa đăng tải thông tin cho biết, Quân đội Mỹ đang có dự định đặt mua 2 hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome (Vòm sắt) do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafale của Israel sản xuất.

Dự kiến Mỹ sẽ nhận được tổng cộng 12 bệ phóng, 240 tên lửa đánh chặn, 2 hệ thống quản lý tác chiến và 2 đài radar điều khiển hỏa lực để bảo vệ lực lượng mặt đất khỏi các mối nguy cơ từ đạn pháo, máy bay không người lái, tên lửa hành trình...

Quyết định lựa chọn Iron Dome được Giám đốc phụ trách mua sắm của Quân đội Mỹ, ông Bruce Jette thuyết trình trước quốc hội vào ngày 26/10/2018 trong một bản báo cáo dày 14 trang.

Sau khi đánh giá đầy đủ về chi phí và hiệu suất, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt niềm tin vào tổ hợp Iron Dome để bảo vệ quân nhân của mình đóng tại các vùng chiến sự.

Hợp đồng đặt mua 2 hệ thống Iron Dome đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận đưa vào chương trình ngân sách tạm thời của năm 2020 và sẽ đánh giá đầy đủ việc triển khai hệ thống này vào năm 2023.

Điều đáng chú ý ở đây là Hoa Kỳ đã tài trợ cho Israel 1,4 tỷ USD cho việc nghiên cứu phát triển hệ thống phòng không Iron Dome kể từ năm 2011 cho tới khi có sản phẩm hoàn thiện.

Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tập đoàn Rafael của Israel đã hợp tác cùng Raytheon để sản xuất hệ thống phòng không tối tân này, với khoảng 50% linh kiện có xuất xứ từ Mỹ.

Iron Dome là hệ thống tên lửa phòng thủ được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng như đạn pháo bắn từ khoảng cách 4 đến 70 km và có quỹ đạo sẽ đưa chúng đến một khu vực đông dân cư.

Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng 150 km2, mỗi tiểu đoàn Iron Dome gồm 1 trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi, dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.

Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở chỗ tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa đối phương không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn

Mới đây Rafael đã giới thiệu phiên bản Iron Dome Block 2 với radar theo dõi và dẫn bắn mạnh hơn do công ty Elta Systems (một chi nhánh của Tập đoàn IAI) phát triển.

Nhờ nâng cấp trên, hiệu suất đánh chặn của Iron Dome được nâng lên tới 90%. Ngoài phiên bản trên bộ thì Vòm sắt còn đang được thử nghiệm cả biến thể dùng trên tàu hải quân.

Thành tích thực chiến của Iron Dome được cho là nguyên nhân chính khiến Quân đội Mỹ đặt niềm tin vào hệ thống tên lửa phòng thủ này, khi nó đã bảo vệ an toàn cho rất nhiều khu dân cư của Israel trước các vụ tập kích.

Mặc dù không được quảng cáo rầm rộ là "độc nhất vô nhị" hay "không có đối thủ" như S-400 Triumf nhưng những gì mà Vòm sắt làm được trong thực chiến thì thực sự quá ấn tượng.

Ngoài Mỹ, Israel còn được cho là đã âm thầm bán một số khẩu đội Iron Dome cho Hàn Quốc và chúng đã phát huy tác dụng khi đánh chặn thành công đạn pháo của Triều Tiên.

Rất nhiều khả năng trong tương lai Vòm sắt sẽ còn được đặt hàng với số lượng lớn từ nhiều khách hàng khác nhau trên phạm vi toàn thế giới.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-thuc-chien-vuot-xa-s400-he-thong-phong-khong-israel-tiep-tuc-co-hop-dong-lon/796889.antd