Thực chất trào lưu thành lập 'NATO phẩy'

Sau khi các nước Ả rập và Hồi giáo thành lập Liên minh “NATO Ả rập”, Đức cũng thúc đẩy thành lập Liên minmh “NATO châu Âu”.

Đức thúc đẩy thành lập NATO châu Âu

Tạp chí Mỹ Foreign Policy (FP) vừa có bài phân tích cho rằng, tuy còn chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng có những dấu hiệu cho thấy quốc gia được coi là thủ lĩnh của NATO ở châu Âu là Đức hiện đang thúc đẩy các đồng minh theo hướng phát triển quân đội chung châu Âu.

Cứ vài năm một lần giới truyền thông lại nhắc đến vấn đề thành lập quân đội EU, mặc dù khái niệm về một lực lượng quân sự như vậy được nhiều người coi là chuyện tưởng tượng hay cổ tích khủng khiếp. Tuy nhiên, truyền cổ tích này đang trở thành hiện thực.

Tác giả Elizabet Bro viết trên tạp chí Foreign Policy rằng, có nhiều người ủng hộ ý tưởng này tại Brussels cũng như có nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh của Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương ở châu Âu là một “điều kinh hoàng”.

Nhưng năm nay, đã có những hành động theo chiều hướng này đã không hề phô trương với giới báo chí. Đức và các đối tác là Cộng hòa Séc và Romania đã thực hiện những bước đi quyết liệt hướng tới một "đội quân riêng của Liên minh châu Âu''.

Những quốc gia này công bố hội nhập lực lượng vũ trang của họ với các đơn vị của Quân đội Đức (Bundeswehr).

Theo đó, Lữ đoàn cơ giới 81 của Romania sẽ kết hợp với sư đoàn phản ứng nhanh của Đức, Lữ đoàn 4 phản ứng nhanh của Séc gia nhập Sư đoàn tăng số 10 của Đức. Như vậy, Séc và Romania đã theo gương Hà Lan, nước đã hợp nhất ba lữ đoàn vào quân đội Đức.

Tuy nhiên, những cái tên mới không nói lên điều gì, khái niệm Quân đội chung châu Âu (phiên bản NATO châu Âu) là một ý tưởng lớn, tập hợp các quân đội châu Âu nhỏ do Đức đứng đầu, nhưng nhằm mục đích rất “thầm thường” so với cái tên của nó.

Mục đích thành lập khối NATO mới là nhằm vào những “đối thủ cứng đầu” như Nga?

Nhà phân tích an ninh của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông là Iustina Gotkovskaya nhận xét rằng, sáng kiến này xuất phát từ sự yếu kém của Bundeswehr. Người Đức nhận ra rằng họ cần lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lục quân để giành ảnh hưởng chính trị và quân sự trong NATO.

Sự hỗ trợ của các đối tác nhỏ hơn có thể giúp Đức tăng cường đáng kể tiềm năng quân sự trong thời gian ngắn nhất và quân đội mini do Đức đứng đầu có thể đảm bảo an ninh cho châu Âu - Elizabet Bro viết cho trên FP.

Được biết, việc Đức thúc đẩy việc thành lập một quân đội chung châu Âu diễn ra trong bối cảnh, các quốc gia Hồi giáo và Ả rập ở Trung Đông và Bắc Phi cùng với một số quốc gia châu Á khác vừa thành lập một Liên minh chống khủng bố, được coi là phiên bản “NATO Ả rập”.

“NATO Ả rập” được thành lập

Tại Hội nghị thượng đỉnh Ả-rập-Hồi giáo-Mỹ vừa kết thúc vào ngày 21/5 tại Riyadh, nhiều quyết định quan trọng đã được thông qua, tiêu biểu là việc thành lập một Liên minh chống khủng bố, với nòng cốt là các quốc gia nằm ở Trung Đông nói riêng và châu Á nói chung.

Hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo của 55 quốc gia Hồi giáo, bao gồm thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh; Vua Abdullah của Jordan; Vua Morocco Muhammed; Tổng thống Algeria và Tunisia và Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi…

Giới chức lãnh đạo các nước vùng Vịnh cho rằng, hội nghị thượng đỉnh được tổ chức để đánh dấu việc mở rộng quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Ảrập và Hồi giáo cho một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập một trung tâm chống khủng bố tại Riyadh, nhằm giám sát và chỉ huy chiến đấu chống khủng bố và cực đoan trong khu vực. Liên minh sẽ quy tụ số lượng ban đầu là khoảng 34 nghìn binh sĩ, con số này có thể được tiếp tục bổ sung.

Nét khác biệt lớn nhất của Liên minh này là nó sẽ do Saudi Arabia lãnh đạo với thành viên chủ chốt là các quốc gia Ả rập và một lực lượng lượng quân sự cụ thể để sẵn sàng tung vào cuộc chiến chống khủng bố, không phụ thuộc vào các lực lượng quân sự sở tại.

NATO phẩy vẫn là những tổ chức phục vụ lợi ích phương Tây?

Về vấn đề này, Tehran cáo buộc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Saudi Arabia đang xúc tiến kế hoạch này chỉ nhằm mục đích chống lại người Shii’te ở Iran, Iraq và Syria (tức người Alawites cầm quyền, một nhánh của người Shii’te) và Hezbollah ở Lebanon.

Giới phân tích nhận định rằng liên minh này được thành lập với mục đích để tung vào Syria, đánh bại khủng bố IS để chiếm đất Syria và đuổi các cố vấn quân sự Iran và nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn như lực lượng Hezbollah của Lebanon, về nước.

Hiện nay, trong giới quan sát cũng có khá nhiều luồng quan điểm về việc các biến tướng của Liên minh NATO liên tiếp ra đời.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy sự lỗi thời của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương và sự bất lực của nó trong việc giải quyết các sự vụ quốc tế.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, những phiên bản NATO mang tính khu vực chỉ là những tổ chức được thành lập tạm thời, để giải quyết các sự vụ mang tính cấp bách mà không cần đến sự tham gia của cả khối NATO.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, những tổ chức “NATO phẩy” chỉ là hiện tượng “bình mới, rượu cũ”, vẫn mang bản chất của NATO, là một tổ chức quân sự cấp thấp hơn NATO và được thành lập vẫn để phục vụ cho lợi ích của Mỹ các các nước phương Tây.

Những biến tướng của NATO hiện nay đơn thuần là những tổ chức mang tính khu vực của Liên minh này, được lập ra để “chuyên đối phó với những nước không theo định hướng của phương Tây” trong khu vực đó, ví dụ như Nga hay Syria, Iran…

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thuc-chat-trao-luu-thanh-lap-nato-phay-3336070/