Thức ăn thừa - 'thủ phạm' khiến dịch tả châu Phi khó kiểm soát

Thông tin từ Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi khó kiểm soát là nguồn thức ăn thừa chưa qua xử lý ở nhiệt độ cao.

VTV dẫn thông tin từ các chuyên gia cho rằng, sở dĩ nói thức ăn thừa là một trong những nguyên nhân lây lan dịch tả lợn châu Phi là bởi: Thức ăn thừa có một số loại vẫn chưa được xử lý ở nhiệt độ cao để làm chết virus tả lợn. Dịch tả lợn châu Phi còn có thể lây qua các trang thiết bị vận chuyển thức ăn chưa đảm bảo khử trùng.

Do đó, Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP. HCM khuyến cáo, người dân cần đặc biệt chú ý kiểm soát chặt nguồn thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt. Nên nấu chín thức ăn dư thừa để tránh virus từ thịt lợn thừa, xúc xích làm từ thịt lợn bệnh nhằm hạn chế lây lan dịch khi cho lợn ăn.

Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi

Liên quan tới tình hình dịch tả lợn châu Phi, trước đó, Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân – một cơ sở nghiên cứu thú y lâu đời nhất Trung Quốc, đã tuyên bố có được hai ứng cử viên cho loại vaccine dịch tả lợn châu Phi, mới được thử nghiệm có khả năng miễn dịch với bệnh dịch.

Ngay sau đó Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc thông báo, trong bước tiếp theo, Viện Hàn lâm Khoa học nông nghiệp Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiến trình thử nghiệm trên quy mô nhỏ và các đợt điều trị lâm sàng cũng như sản xuất vaccine.

Thông báo này gây chia rẽ các nhà khoa học trên thế giới. Nhiều người có kinh nghiệm nghiên cứu về vaccine cho vật nuôi dường như cẩn trọng hơn. “Có thể tìm ra được các loại vaccine có hiệu lực trong phòng thí nghiệm nhưng việc áp dụng nó vào thực tế lại ẩn chứa nhiều điều khác biệt”, một chuyên gia quốc tế về dịch tả lợn châu Phi giấu tên, nói.

Từ việc đưa một vaccine vào thử nghiệm lâm sàng và sau đó đưa ra thị trường thương mại phải mất nhiều năm. Mặt khác, có tới hai chủng virus tả lợn châu Phi đang lưu hành ở Trung Quốc và một loại vaccine có thể không đủ khả năng chống lại cả hai, ông cho biết thêm.

Việc thực hiện các nghiên cứu này sẽ giúp lấp đầy những thiếu hụt trong hiểu biết về loài virus này, bao gồn cả cấu trúc chi tiết virus và cách nó lan truyền tới vật chủ, sau đó tấn công hệ miễn dịch của chúng.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã bị cấm nghiên cứu loài virus sống này vì bị lo ngại nó sẽ phát tán từ một phòng thí nghiệm nào đó để lây nhiễm trên lợn. Giờ đây thì virus đã hoành hành ở Trung Quốc, các nhà khoa học trong các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ hai có thể nghiên cứu trên tế bào của virus, còn các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cao nhất có thể nghiên cứu trên vật nuôi.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguy-co-tiem-an-lay-lan-dich-ta-lon-chau-phi-tu-thuc-an-thua--d160850.html