Thuận vợ thuận chồng

'Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ'. Câu ngạn ngữ hiện đại này từ phương Tây du nhập vào ta và sớm trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Dĩ nhiên bởi nó có lý và gần với thực tế cuộc sống hiện tại, song câu này mới chỉ nói lên được một mặt đảm đang, giỏi “xây tổ ấm”, biết nhẫn nhịn, biết vun vén và che chắn cho chồng. Vì lẽ này mà người phụ nữ nói chung không có ý hướng tự mình trở thành người thành đạt. Và như vậy nó trở nên thiếu khuyết, lệch lạc trong thời buổi nhân loại đang xây dựng, bảo vệ quyền bình đẳng giới hiện nay. Nó vẫn chưa thoát được chiếc gông quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ” tồn tại ngàn đời ở phương Đông, trong đó có Việt Nam ta.

May mà cuộc sống luôn có xu hướng tìm đến sự cân bằng. Gần đây, người ta hay nhắc đến với ý nghĩa tích cực về những “người đàn ông của gia đình”. Đó là những người biết chia sẻ, quan tâm đến người vợ và việc nhà. Khi “người đàn ông của gia đình” ra đời thì chuyện “người núp váy vợ” dần ít được nói tới như sự chê bai không đáng mặt đàn ông, không “quân tử”.

Tóm lại, đông tây cổ kim có nói gì, lúc nhấn bên này lúc nhắc bên kia thì trước sau vẫn không vượt khỏi tầm bao quát đầy tình đầy nghĩa và cả lý của ông bà ta truyền dạy “thuận vợ thuận chồng”. Câu này trọng chữ “thuận”, là một vế trong ngạn ngữ: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông”.

“Thuận vợ thuận chồng” bắt đầu có từ bao giờ. Trong dân ngàn đời và trong lịch sử với câu chuyện vợ chồng Bà Trưng-Thi Sách. “Một xin rửa sạch thù nhà. Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”. Thù nhà và việc nghiệp nước là cái chung, cái thuận từ trong nhà ra xã hội của cặp vợ chồng điển hình này. Và cũng có thể xem đây là sự mở đầu cho sự gắn kết nhà với nước, nước với nhà-“nước mất nhà tan” để những ngôi nhà-gia đình Việt Nam cùng làng nước Việt Nam vượt qua sự thống trị và đông hóa ngàn năm của người phương Bắc cũng như xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự chủ ngàn năm tiếp theo. Đó chính là thực tế lịch sử để Bác Hồ và Đảng ta tổng kết: “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Xin không nhắc lại truyền thống vẻ vang trên, trong đó có tư thế “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chỉ xin lưu ý rằng truyền thống gánh vác cả việc nhà và việc nước của phụ nữ Việt Nam có nguồn cội từ các phương thức sản xuất và sinh hoạt cùng lịch sử đấu tranh sinh tồn của dân tộc. Truyền thống đó giúp xã hội Việt Nam hạn chế được sự ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Khổng giáo. Và đó là lợi thế để câu chuyện “thuận vợ thuận chồng” tiếp tục phát triển trong thời kinh tế thị trường hiện nay.

Trong vô vàn những con người thành công trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hay gây dựng cơ nghiệp kinh doanh, sản xuất có bao nhiêu người phụ nữ ở nông thôn, thành thị? Trong vô vàn người công nhân tay nghề giỏi, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học giỏi có bao nhiêu là phụ nữ? Không thể tính được chính xác bởi đó là những con số luôn biến động, sinh sôi mới mẻ hằng ngày trong thời buổi sôi động và tốc độ. Chỉ tính số chị em là tỷ phú, triệu phú đô la đã là khó rồi. Hầu như trong số những người thành đạt này ai cũng có gia đình yên ấm, dù ở đâu đó vẫn có những con người chịu thiếu khuyết, cô đơn.

Từ hào về thành công của chị em thì ta cũng tự hỏi: Đằng sau một người phụ nữ thành đạt là…? Dĩ nhiên câu này dành cho phái mạnh. Trong sự nghiệp chung và văn minh bình đẳng giới, văn hóa gia đình nói riêng, trách nhiệm của người nam giới, đàn ông, người chồng ngày càng lớn hơn để gia đình “thuận vợ thuận chồng”, biết ứng xử “trong ấm ngoài êm”.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thuan-vo-thuan-chong-552326