Thuận thiên để sống tốt

Thiên tai bất thường, biến đổi khí hậu khó lường. Đã tháng Bảy mà lũ vẫn chưa về với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, miền Trung lại điêu đứng vì hạn; Tây Nguyên, vùng núi cao được coi như mái nhà của miền Trung Việt Nam và đảo Ngọc Phú Quốc, ít ai ngờ, lại ngập trong mưa lũ.

Suốt những ngày cuối của tuần đầu tháng Tám, trên cả nước, chúng ta chứng kiến nhiều trạng thái khác nhau của thời tiết. Nhưng, nhìn thấy rõ nhất đó là sự khốc liệt, dữ dằn của thiên tai. Dường như, những điều “nghịch” tự nhiên đang phải trả giá.

Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, ai có thể ngờ đô thị du lịch nổi tiếng Đà Lạt lại phải một phen lấm lem vì mưa lũ. Dù không phải lần đầu, nhưng những cảnh báo về ngập lụt với đô thị vùng cao này hơn 5 năm qua, thêm một lần nữa hiện rõ. Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh tác nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mất rừng, canh tác tự phát khiến rừng bị phát quang. Khi mưa xuống, cộng với độ dốc cao, tạo thành dòng chảy, gây lũ lớn. Đây chính là một trong những nguyên do khiến một dải Tây Nguyên những ngày qua ngập lụt.

Khi mà những ám ảnh về tình trạng úng ngập, sạt lở của mái nhà Tây Nguyên chưa dứt, những hình ảnh lụt lội của Đảo Ngọc Phú Quốc khiến người ta phải đặt câu hỏi: Công tác quy hoạch và các kịch bản chống chọi với thiên tai của các đô thị ở Việt Nam đến đâu? Những vùng đất du lịch vốn được coi là “đáng sống” có ai nghĩ có lúc lại rơi vào lụt lội tồi tệ, không như kỳ vọng.

Nhìn suốt qua các khu vực phát triển ở Tây Nguyên cùng các đô thị lớn, các vùng tiềm năng du lịch, dễ nhận thấy, mối nguy ngập lụt càng rõ nét hơn bao giờ hết. Đợt mưa lớn vừa qua như dấu hiệu cảnh báo cho các đô thị ở Việt Nam sẽ phải đối chọi với các đợt úng ngập có thể còn tệ hại hơn thế. Nguyên nhân không phải chỉ do đường ống cũ, mưa lớn, triều cường ngày càng cao mà còn do chính các nhà quy hoạch, đã cấp phép hàng loại dự án cho lấp đầm hồ, đồng ruộng, lấn sông ngòi… Rồi tình trạng xẻ rừng, chặn dòng thoát nước của các công trình xây dựng, dẫn đến sạt lở, úng ngập. Xung quanh các đô thị lớn, lẽ ra phải tăng thêm diện tích hồ tiêu thủy, rừng cây, các dự án lại cho tôn nền làm cho khu đô thị cũ trũng hơn, ngập hơn. Đã thế, các công trình tiêu thủy lại luôn đi sau một bước... Ngay với Phú Quốc, vốn được mệnh danh là Đảo Ngọc, thế nhưng cũng không thể chịu nổi một đợt mưa lớn như những ngày qua. Hạ tầng đô thị trên Đảo Ngọc đang bộc lộ bất cập rất rõ, đó là khả năng tiêu thoát nước quá kém, là “hành lang” resort, khách sạn năm, sáu sao bao quanh đảo án ngữ dòng chảy ra biển.

Thuận thiên để chúng ta có cuộc sống tốt hơn, bền vững hơn. Đón nhận những gì mà thiên nhiên ban tặng, chúng ta cần nâng niu trân trọng, nuôi dưỡng, tái sinh những nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên để cân bằng môi trường sống. Lấy tài nguyên trong lòng đất, hãy hoàn trả đất về nguyên trạng. Trồng thêm cây, gây rừng để dưỡng đất, để bớt đi những cơn lũ dữ; lấy nguồn nước sạch từ sông hãy trả lại sông bằng nước sạch, đừng làm những dòng sông “nghẹt thở” bởi các nguồn thải ít được xử lý. Đừng vội tự hào khi dựng lên những con đập sừng sững khai nguồn thủy năng. Hãy trông đó những đợt hạn vắt kiệt cùng sức đất; bao phen cắt lũ bất chợt kinh hoàng khiến nhà trôi, người mất…

Tất cả những điều đó nhiều người đã thấy và nó không hẳn là những điều không thể làm trong cuộc sống. Có phải, sự lơi lỏng trong quản lý, lòng ham muốn quá độ của con người đang dần đẩy môi trường sống của chính chúng ta ngày càng trở lên khắc nghiệt?! Thế nên, từ miền núi đến vùng hải đảo, sự dữ dằn của thiên tai cứ hiển hiện đến xót xa.

Ngọc Lý

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thuan-thien-de-song-tot-1273020.html