Thuận thiên, bảo vệ 'lá phổi xanh'

Tây Nguyên đang có nhiều mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào môi trường và tạo ra sản phẩm tự nhiên bền vững. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần bảo vệ bằng được những cánh rừng- 'lá phổi xanh' của trái đất để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra khốc liệt như hiện nay.

Để vườn cây hóa rừng

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng hơn 2 héc-ta với đủ các loại cây trồng xung quanh được bao phủ bởi nhiều loại cỏ rậm rạp, anh Nông Văn Công (SN 1993, thôn Cao Bằng, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, đã dành trọn 5 năm để phục hồi đất, biến vườn cây thành rừng. Là người đầu tiên trong thôn làm nông theo hướng ngược đời, anh Công nghe nhiều lời xì xào của xóm làng song lặng lẽ làm theo chủ ý của mình.

Anh Công xây dựng mô hình vườn rừng vào năm 2017. Lý do khiến anh thay đổi lối canh tác truyền thống vì sức khỏe giảm sút sau nhiều lần đẫm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. “Có lần mình phun xong bình thuốc thì người choáng váng. Đi khám, bác sĩ bảo bị rối loạn tiền đình, khiến mình lo cho sức khỏe bản thân nên muốn tạo ra sản phẩm sạch từ vườn đến bàn ăn”, anh Công nhớ lại lý do thay đổi.

Anh Công bên khu vườn hóa rừng

Anh Công bên khu vườn hóa rừng

Quá trình tìm câu trả lời “làm nông không hóa chất”, anh Công biết đến canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên của 2 lão nông ở đất nước mặt trời mọc thông qua 2 cuốn sách “Quả táo thần kỳ” và “Cuộc cách mạng một cọng rơm”. Từ đây, anh bắt tay cải tổ vườn cây. Anh Công trồng cỏ Vetiver dọc bờ rào và xen kẽ vào từng hàng cây. Loại cỏ này có bộ rễ chắc khỏe đâm sâu xuống đất, hình thành “hàng chông” ngăn xói mòn, làm hàng rào sinh học dẫn dụ côn trùng có hại sống và sinh sản trên cỏ Vetiver, ngăn chúng tấn công các cây trồng chính. Đặc biệt, cỏ Vetiver phát triển xanh tốt bất chấp khô hạn hay ngập lụt tạo lượng sinh khối lớn tốt cho cây trồng.

Tiếp đến, anh Công trồng thêm nhiều cây chuối với mục đích phá đất, tạo sinh khối, bóng mát và tăng thêm thu nhập. Anh cũng cắt toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến cây trồng bị “sốc”. “Nhiều cây vàng úa như sắp chết. Vụ đầu tiên, sản lượng cà phê, hồ tiêu giảm 1 nửa, mẹ mình nóng ruột, may mình vững tâm. Sang năm 2, vườn cây xanh trở lại nhưng sâu bệnh tấn công dữ dội. Mình lại đứng trước lựa chọn dùng thuốc đặc trị hay để cây trồng tự sinh tự diệt và cuối cùng quyết định không can thiệp. Kết quả vườn cây đã sống sót kỳ diệu”, anh Công nhớ lại.

Từ khu vườn khô cằn, đất đai bị xói mòn đến mức cỏ dại cũng không thể mọc, anh Công đã hóa thành “khu vườn của mẹ” tươi xanh quanh năm. Theo anh Công, chi phí đầu tư cho vườn rừng gần như bằng không vì không tốn tiền cày xới đất, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Các loại cây tự hình thành 1 chuỗi thức ăn cho nhau. Mùa khô, anh chỉ tưới một ít nước cho cây cà phê. Thi thoảng có loại cây bị mất mùa như vụ hồ tiêu năm ngoái, tuy vậy, anh vẫn có thu nhập từ cà phê, sầu riêng, bưởi…

“Với mình, hạnh phúc nhất là mỗi sáng thức dậy được hít bầu không khí trong lành, ngắm màu xanh của cỏ cây, nghe tiếng chim hót”, anh Công kể và tiết lộ nhờ mô hình vườn rừng, anh đã tìm được người bạn đời cùng chung tình yêu thiên nhiên.

Giữ bằng được cánh rừng

Rừng Tây Nguyên từng ngút ngàn với nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm song việc ồ ạt chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích kinh tế đã “góp phần” gây ra tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan (mưa lũ, hạn hán…). Minh chứng những năm qua, tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục hứng chịu những đợt hạn hán kéo dài, mưa lũ xuất hiện liên tục gây chết chóc và thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Chị H’ Loan Niê (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) chia sẻ, chị cảm nhận rõ sự thay đổi thất thường của thời tiết. Mùa khô vừa qua, trời nắng như lửa đốt khiến sông suối trơ đáy, nhiều diện tích hoa màu bị khô héo; đến mùa mưa lại mưa dồn dập, trong 2 tháng có tới 2 đợt ngập lũ gây thiệt hại về nhà cửa, cây trồng của dân.

Theo GS-TS Bảo Huy - chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên rừng và môi trường, nhiều nguyên nhân chính gây nên BĐKH. Trong đó có các hoạt động sản xuất của con người làm gia tăng khí CO2 như sản xuất công nghiệp, sử dụng nguyên liệu hóa thạch, phá rừng, đốt các phụ phẩm nông nghiệp…là nguyên nhân chính gây nên BĐKH. Việt Nam cũng “đóng góp” làm BĐKH như xả thải, khí CO2, để mất rừng…

Tây Nguyên có hơn 2,5 triệu héc-ta rừng tự nhiên, được ví như lá phổi xanh, rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, nguồn nước không chỉ ở khu vực mà của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, rừng Tây Nguyên vẫn bị mất từng mảng lớn, diện tích còn lại phần lớn rơi vào trạng thái nghèo kiệt, xác xơ; có nơi chỉ cần chặt đi vài cây sẽ không đủ tiêu chí thành rừng. Mất rừng kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên đất, mực nước ngầm giảm trầm trọng…

Theo GS-TS Bảo Huy, nếu rừng được nuôi dưỡng, bảo vệ tốt sẽ hấp thụ và tích lũy khí CO2 trong 5 bể chứa: Thực vật trên mặt đất, thực vật dưới mặt đất (rễ cây) thảm mục; trong gỗ chết và trong đất. Ngược lại, nếu rừng bị tàn phá, bị đốt sẽ thải ra một lượng khí CO2 rất lớn tác động tiêu cực đến môi trường, gây nên BĐKH.

Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới từng chia sẻ tại một cuộc Hội thảo Đánh giá rủi ro của BĐKH được tổ chức tại Đắk Lắk cho hay, có nhiều giải pháp thích ứng cũng như giảm tác động tiêu cực của BĐKH, cách đơn giản mà rẻ tiền nhất là bảo vệ bằng được rừng tự nhiên. Ông khuyên không nên đánh đổi rừng cho các mục tiêu kinh tế và đừng “chê” rừng nghèo kiệt bởi nó có những giá trị sinh thái như giữ đất, nước và điều hòa nhiệt độ…

“Để bảo vệ rừng hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách cụ thể. Rừng phải có chủ rõ ràng và có trách nhiệm, năng lực để quản lý; có chính sách quản lý rừng nghèo lâm sản nhưng vẫn còn những giá trị sinh thái rất lớn để rừng không bị xóa sổ; có chế độ lương, phụ cấp tương xứng cho lực lượng giữ rừng bởi họ làm trong điều kiện khắc nghiệt, vùng sâu vùng xa”, GS-TS Bảo Huy cho hay.

H.T

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuan-thien-bao-ve-la-phoi-xanh-post1404626.tpo