Thuận lợi và khó khăn cho phát triển mô hình kinh tế xanh ở Việt Nam

Qua hơn 20 năm thế giới thực hiện phát triển bền vững, mặc dù kinh tế đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua (tăng trưởng gấp 4 lần) và đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người nhưng lại đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng có.

Diễn đàn quốc tế tại Hà Nội thảo luận về phát triển bền vững tại Việt Nam.

Diễn đàn quốc tế tại Hà Nội thảo luận về phát triển bền vững tại Việt Nam.

Có tới 60% các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra có ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái của Trái đất. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình phát triển kinh tế trong thế kỷ qua chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không chú ý tới khả năng tái tạo dẫn tới hệ sinh thái bị xuống cấp và tổn hại nghiêm trọng.

Mặt khác, khoảng 90 cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trong vòng 30 năm qua với tần suất xuất hiện ngày càng lớn, cùng với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, đã gia tăng sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới.

Mô hình kinh tế truyền thống phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ra hiện biến đổi khí hậu, đã không đảm bảo được nhu cầu phát triển bền vững của tương nhiều quốc gia. Tình trạng này đòi hỏi các quốc gia tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới - phát triển mô hình kinh tế xanh.

Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản sau quá trình “đổi mới và mở cửa”, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một sự phát triển vì con người, những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định tạo thuận lợi để thực hiện nền kinh tế xanh.

Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học – công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực xanh.

Với lợi thế là nước đi sau, trình độ công nghệ còn thấp đang là cơ hội lớn cho nước ta áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, cũng như giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên lợi thế so sánh cao, vị trí địa chính trị quan trọng; về khách quan đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú để phát triển nền kinh tế xanh.

Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong định hướng phát triển bền vững, Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế (UNDP, Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…) trong ứng phó với BĐKH nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung. Tất cả những yếu tố tích cực đó đang hội tụ lại thành bàn đạp cho Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh và khẳng định sự lựa chọn “tăng trưởng xanh” là phương án tối ưu cho PTBV, xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Nền kinh tế xanh không thể thiếu sự vận hành từ các nguồn năng lượng tái tạo. Với hơn 3000 km bờ biển và nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng gió với ước tính khoảng 500-1000 KWh/m2/năm. Hiện tại cũng đã có một số dự án điện gió được triển khai ở một số tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận) và tại một số huyện đảo nơi gặp khó khắn trong kéo điện lưới quốc gia. Tiềm năng năng lượng sinh khối ở nước ta chủ yếu từ gỗ, phế thải từ cây nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị và chất thải hữu cơ khác… đều là những thứ có sẵn ở Việt Nam…

Tuy nhiên tất cả các loại năng lượng này vẫn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác phục vụ. Trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đây là cơ hội lớn của nước ta trong phát triển kinh tế phát thải các bon thấp, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong nhập khẩu nhiên liệu.

Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Luật Tài nguyên môi trường do Vusta tổ chức.

Bên cạnh những thuận lợi như đã nêu ở trên, phát triển mô hình kinh tế xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức như nhận thức và trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những năm chiến tranh kéo dài đang để lại những hậu quả không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn để khắc phục.

Thể chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, bất cập chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, cụ thể: hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn phân tán, chồng chéo chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước trong hội nhập. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên đóng góp cho phát triển kinh tế chưa tương xứng, chưa huy động được sự tham gia của xã hội cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, còn nhiều lãng phí, tài nguyên thiên nhiên (vốn tự nhiên), nhất là tài nguyên sinh vật, bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạo bị khai thác cạn kiệt.

Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới: công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới chủ yếu là công nghệ cũ, lạc hậu, đã làm cho quá trình sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, do đó, chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính. Chi cho đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ còn hạn chế.

Để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là công việc của cả thế giới chứ không chỉ của riêng nước nào. Vì vậy, để xử lý vấn đề môi trường – những vấn đề có tính thách thức toàn cầu này đòi hỏi các nước phải cùng hành động. Trong khi đó, không phải nước nào cũng có thiện chí và thực hiện đúng cam kết với đối tác. Do đó, nó có thể phá vỡ mục tiêu chóng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Nguồn lực cho thực hiện kinh tế xanh chưa được chuẩn bị đầy đủ. Phát triển mô hình kinh tế xanh liên quan đến đổi mới công nghệ. phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải các bon thấp, đầu tư phát triển một số lĩnh vực mới. Muốn làm được những điều đó đòi hỏi phải đầu tư và có nguồn vốn lớn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nhất là việc sử dụng năng lượng tái tạo./.

PV

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thuan-loi-va-kho-khan-cho-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-xanh-o-viet-nam-65030