Thuận lợi, nhưng không được chủ quan

Năm nay, nước lũ dự đoán có khả năng về chậm và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất lúa Thu Đông. Song, thời tiết và nhiều loại dịch hại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa đến sản xuất, nông dân không được chủ quan.

Nhiều thuận lợi

Nông dân ở huyện Thới Lai làm đất, chuẩn bị xuống giống lúa vụ Thu Đông 2020.

Nông dân ở huyện Thới Lai làm đất, chuẩn bị xuống giống lúa vụ Thu Đông 2020.

Đến ngày 17-6, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được 46.232ha lúa Thu Đông 2020, đạt 72% so với kế hoạch. Lúa Thu Đông chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh và đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Một số đối tượng dịch hại: ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu... xuất hiện trên một số trà lúa nhưng với mật số thấp...

Ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: "Đã xuống giống gieo sạ 12 công lúa vụ Thu Đông 2020 được 20 ngày tuổi, lúa phát triển tốt, chưa phải phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào. Nhìn chung, vụ lúa Thu Đông khởi đầu khá thuận lợi cả về các điều kiện nguồn nước phục vụ sản xuất và giá phân bón cùng nhiều loại vật tư đầu vào cũng giảm so với các năm trước. Đặc biệt, năm nay lúa bán được giá, bà con rất hăng hái làm lúa vụ 3". Ông Trần Tuấn, ngụ khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "Lúa vụ 3 (lúa Thu Đông) của nông dân thuận lợi nhờ có các hệ thống đê bao và công trình thủy lợi chủ động nước tưới tiêu, đảm bảo sản xuất ăn chắc. Năm nay mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm, trong khi lũ ở mức thấp so với mọi năm... cũng là những điều kiện thuận lợi để nông dân tăng cường sản xuất lúa vụ 3, nắm bắt cơ hội về giá cả đầu ra lúa gạo đang có thuận lợi".

Sản xuất lúa vụ Thu Đông 2020 thuận lợi khi hầu hết các khâu sản xuất: làm đất, gieo cây, bơm tưới nước, thu hoạch... đã được nông dân đưa các thiết bị, máy móc cơ giới vào làm, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo thời vụ sản xuất theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, chủ động xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy trên từng cánh đồng và thu hoạch lúa nhanh lẹ, giảm nguy cơ thiệt hại do mưa lũ khi lúa còn trên đồng.

Chủ động để sản xuất ăn chắc

Vụ lúa Thu Đông 2020, diện tích xuống giống gieo trồng trên địa bàn TP Cần Thơ dự kiến là 64.000ha, đạt 108% so với kế hoạch và sản lượng 336.000 tấn, đạt 108% so với kế hoạch. Vụ này có nhiều thuận lợi, nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên gặp những khó khăn nhất định, thời tiết cực đoan và nguy hiểm: mưa bão, giông lốc, sét, mưa đá, ít nhiều ảnh hưởng tiến độ xuống giống lúa Thu Đông. Bên cạnh đó, một số đối tượng dịch hại: chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá... còn có những diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng. Năm nay dù lũ được dự báo ở mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước nhưng sẽ có những đợt triều cường ở mức cao, có thể đe dọa cho sản xuất tại những vùng có hệ thống đê bao và bờ bao chưa đảm bảo.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, các địa phương cần rà soát lại hệ thống thủy lợi nội đồng, nhanh chóng tu sửa những nơi xuống cấp nhằm đảm bảo chủ động nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất và quản lý dịch bệnh. Ngay từ đầu vụ tập trung nguồn lực, kinh phí khuyến nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất lúa "1 phải 5 giảm". Tiếp tục mở rộng các mô hình công nghệ sinh thái, quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học, sản xuất lúa theo hướng VietGAP..., nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Các địa phương cần căn cứ vào khung thời vụ của thành phố, cùng với diễn biến rầy nâu vào đèn, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống phù hợp cho địa phương, đảm bảo tốt "né rầy" vừa hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa Thu Đông 2020 của thành phố gồm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20-6 đến 26-6-2020 (29-4 đến 6-5 âm lịch), đợt 2 từ ngày 10-7 đến 16-7-2020 (20-5 đến 26-5 âm lịch). Vận động bà con xuống giống tập trung đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách vụ, nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch khi lũ về sớm. Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần lễ để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ và đủ thời gian để làm đất thật kỹ...

Các địa phương cũng cần xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ Thu Đông 2020 đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường, với các giống chủ lực: OM 4218, OM 2517, OM 5451, OM 6162, OM 7347. Riêng giống IR50404 ở mức dưới 20% trong cơ cấu giống. Cần phải sử dụng giống có thời gian sinh trưởng giống nhau, tiến tới việc sử dụng giống đồng nhất, chất lượng cao trên cùng cánh đồng để nâng cao giá trị hàng hóa, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng lúa giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 120 kg/ha. Sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Đông cũng cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn và nhất là độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thuan-loi-nhung-khong-duoc-chu-quan-a122593.html