Thuận con nghịch cha

Rời mảnh đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, vợ chồng tôi vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm cuối của thế kỷ trước. Tài sản duy nhất lúc đó chúng tôi có được là đứa con trai đầu lòng mới hơn ba tuổi.

Thuở ấy, Sài Gòn còn đất rộng người thưa, chưa có công việc nhiều. Hồi đó người cần việc chứ không phải việc cần người như bây giờ. Do đó, vợ chồng tôi rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm.

Được một người quen cho ở nhờ nhà bước đầu, chúng tôi bươn chải đủ thứ việc. Ai kêu gì làm nấy, từ quét rác chợ đến khuân vác, giúp việc nhà...

Cứ như vậy, vừa chịu khó làm việc, vừa tiết kiệm chi tiêu, chúng tôi đã bám trụ được ở thành phố phồn hoa này. Được cái, thời ấy đất ở đây rất rẻ, nên sau gần hai năm dành dụm, chúng tôi đã mua được một lô gần khu chợ Tân Bình, cất chòi ở tạm. Có chỗ ăn chỗ ở của mình rồi, chúng tôi không làm thuê nữa, chuyển sang tập tành buôn bán quần áo may sẵn. Bước đầu chỉ là nhỏ lẻ bên hông chợ, sau dần, chúng tôi đã mua được sạp trong chợ. Từ đó, việc bán buôn ổn định hơn, và thu nhập của vợ chồng tôi cũng khấm khá dần lên.

Nhà đất lúc đó vẫn còn rẻ, nên dành dụm được bao nhiêu tiền, chúng tôi đều tập trung vào mua nhà cho thuê. May mắn sao, nhà đất bỗng dưng lên giá chóng mặt, nhờ vậy chúng tôi có lãi to, trở nên giàu có. Các con của chúng tôi, cả thảy ba đứa, đều rất ngoan và chăm chỉ học hành. Cậu con trai ngày xưa vất vưởng theo cha mẹ thường phải ngủ sạp chợ, giờ đây cũng đã tốt nghiệp đại học và đang đòi cưới vợ.

Thì vợ chồng tôi cũng rất mong đợi ngày này, ngày con cái được nên bề gia thất. Ngặt nỗi, chỗ mà con trai tôi lựa chọn lại không vừa ý vợ chồng tôi. Chính xác hơn, là cha mẹ cô gái mà con trai tôi yêu có “vấn đề”, khiến vợ chồng tôi không bằng lòng.

Chả là cha mẹ cô gái kia cũng đồng hương, thậm chí còn cùng xóm với chúng tôi ngoài quê. Vợ chồng tôi là người đi tiên phong vào Sài Gòn, bà con trong xóm đã lần lượt theo vào mưu sinh, trong đó có cha mẹ cô gái kia. Được ngồi sui với người đồng hương nơi xứ lạ quê người thì còn gì vui bằng, nếu như…

Ngày trước, khi còn ở quê, mẹ cô gái đã phạm tội ngoại tình, sau khi lấy chồng đã sáu năm, có hai mặt con. Theo lời bà ta bộc bạch với hàng xóm, là do bất mãn với người chồng vũ phu nên đã ngã lòng với một người đàn ông góa vợ ở xóm bên. Người chồng phát hiện được, đã đánh người đàn ông kia một trận nên thân. Còn với vợ nhà, ông ta không chỉ đánh đập, mà còn cạo trọc đầu, rồi dắt đi bêu rếu khắp xóm.

Lăng nhục vợ như thế, nhưng ông ta không ly dị mà tiếp tục chung sống đến bây giờ. Vào Sài Gòn, họ cũng ở cùng phường với vợ chồng tôi, lại còn trời xui đất khiến cho con trai tôi yêu con gái của họ. Cha mẹ thì như thế nhưng cô con gái tính nết lại rất dễ thương. Cháu không xinh đẹp nhưng lại hiền lành, chịu khó. Cháu cũng học hết PTTH, rồi ở nhà phụ mẹ buôn bán hàng điện nước. Kinh tế của họ tuy không được bằng gia đình tôi, nhưng cũng rất khấm khá.

Thấy con trai mình qua lại thân quen với cô gái, là vợ chồng tôi đã lo lắng, ngăn cản từ lúc đầu. Vậy mà nó không nghe, cứ lần lựa đến nay đã gần 4 năm trời. Bây giờ cứ năn nỉ đòi cưới xin. Chúng tôi không chê bai con bé một điểm nào, ngược lại còn rất quý mến cháu. Song, vợ chồng tôi rất đắn đo với “tỳ vết” ngày xưa của mẹ cô gái. Chúng tôi cũng không hề sợ “con gái giống mẹ”, mà chỉ thấy ngại ngùng khi phải ngồi sui với họ. Tuy rằng vợ chồng tôi xa quê đã lâu, rất ít về thăm, nhưng bà con ngoài quê lại vào đây lập nghiệp rất nhiều. Đám cưới của con trai tôi, khách mời tất nhiên phần đông là số bà con này. Vậy thì làm sao tôi có thể chấp nhận được sui gia như thế. Chỉ nghĩ đến thôi, tôi đã thấy “rát mặt” rồi. Lại thêm, mẹ tôi vẫn còn sống, hiện đang ở cùng vợ chồng tôi. Bà càng quyết liệt phản đồi hơn. Phần thằng con trai tôi, thì nó cứ hết năn nỉ, khóc lóc rồi đến bỏ ăn, bỏ ngủ vì không được cưới người nó yêu. Thiệt lòng thì vợ chồng tôi rất thương yêu và tội nghiệp cho hai đứa trẻ, nhưng chấp nhận cho cưới xin thì thật khó lòng. Theo ý bạn đọc thì chúng tôi phải làm theo ý con hay ý mình?

THÁI HÒA (Kiến thức gia đình số 43)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuan-con-nghich-cha-post229149.html