Thưa vắng sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi

Sau thời kỳ 'bùng nổ', gần đây các chương trình giải trí trên truyền hình có tính thị trường với nhiều chiêu trò nhạt nhẽo đang trở nên bão hòa. Trong bối cảnh đó, có thể kể đến hiện tượng vì thiếu sân chơi giải trí lành mạnh, trẻ em đã phải mượn 'chiếc áo' quá khổ so với lứa tuổi để tham gia hoạt động âm nhạc, mà đôi khi vừa phản văn hóa, vừa thiếu tính giáo dục.

Một kênh âm nhạc dành cho thiếu nhi, đó là mơ ước không chỉ của không ít nhạc sĩ, mà còn là mong mỏi của nhiều trẻ em cũng như phụ huynh. Tuy nhiên, đến nay điều này dường như vẫn khá xa vời. Lâu nay, theo dõi lịch phát sóng của nhiều đài truyền hình Trung ương và địa phương, thường chỉ vào các dịp như Quốc tế thiếu nhi, rằm Trung thu,... mới thấy sự xuất hiện của một số chương trình văn nghệ tổ chức riêng cho trẻ em. Còn thường ngày, rất khó tìm được các chương trình ca nhạc do các em biểu diễn một cách trong sáng, hồn nhiên phù hợp lứa tuổi. Thay vào đó là sự nở rộ của vô số gameshow (trò chơi trên truyền hình), hoặc các chương trình truyền hình thực tế. Từ nhu cầu giải trí của khán giả và để tạo sự mới lạ, thời gian qua kể cả trẻ em cũng đang được một số nhà đài huy động tham gia nhiều gameshow. Tính sơ bộ hiện nay có không dưới 10 chương trình dành cho trẻ em đang chiếm sóng “giờ vàng”, trong đó phần nhiều tập trung vào khai thác khả năng ca hát của các em, tiêu biểu như: Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Thử tài siêu nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để tỏa sáng, Thần tượng tương lai...

Sự xuất hiện có phần tươi mới, khác lạ của trẻ em phần nào đã thổi “luồng gió mới” cho các chương trình giải trí trên truyền hình vốn đang có xu hướng trở nên bão hòa. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, các bất cập của một số gameshow cho trẻ em đã bộc lộ, nổi lên là một vài chương trình đề cao tính giải trí mà chưa chú ý đến tính giáo dục. Cụ thể, với nhiều chương trình trổ tài ca hát, thay vì trình bày ca khúc phù hợp lứa tuổi, khán giả được chứng kiến cảnh các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học phải đau đớn quằn quại trong các ca khúc thất tình, chia ly, tan vỡ, hoặc nhập các vai ghen tuông, giành giật yêu đương. Cách trang điểm và trang phục của các em cũng rập khuôn theo phong cách của người lớn cho nên thiếu phù hợp, thậm chí đôi lúc trở nên lố bịch, phản cảm. Song thay vì điều chỉnh cho phù hợp lứa tuổi và tâm sinh lý trẻ nhỏ, nhiều huấn luyện viên, giám khảo của chương trình lại nồng nhiệt cổ vũ, khuyến khích, khiến các em dễ bị ngộ nhận, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Cá biệt có chương trình giao cho các em quyền được đánh giá, nhận xét hoặc chỉ dạy, huấn luyện người nổi tiếng, cho nên dù muốn hay không cũng rất dễ khiến các em ảo tưởng về bản thân. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do nhiều chương trình đang khai thác thiếu nhi để phục vụ cho nhu cầu giải trí của người lớn và sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận, chứ không thật sự xuất phát từ việc tạo môi trường phát triển lành mạnh cho tài năng trẻ cũng như tạo sân chơi ý nghĩa, trong sáng cho trẻ em. Bởi vậy, dường như mong ước của công chúng về một chương trình ca nhạc hoàn toàn dành riêng cho thiếu nhi, sử dụng các ca khúc phù hợp lứa tuổi trên sóng truyền hình giờ đây vẫn đang bỏ ngỏ.

Trong khi nhiều kênh sóng truyền hình vì nhiều lý do, mở ra các chương trình giải trí cho thiếu nhi nhưng nội dung và hình thức chưa thật sự phù hợp thì mới đây đã xuất hiện trào lưu một số nhạc sĩ, ca sĩ tự sản xuất các sản phẩm âm nhạc “chất lượng cao”, gửi gắm nhiều tâm huyết hướng tới trẻ em. Có thể kể đến dự án sách nhạc 100 bài hát dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (ra mắt ngày 3-6-2017); chuỗi dự án dài hơi về âm nhạc dành cho trẻ em của nhạc sĩ Thanh Bùi được khởi động từ tháng 7-2017 bằng việc ra mắt MV (music video - video âm nhạc) Cứ mơ thôi. Mới đây nhất, ngày 12-4-2018 dự án âm nhạc Sing Channel với thông điệp “Hãy để trẻ em Việt Nam được hát bài hát Việt Nam” do cố nhạc sĩ An Thuyên và các nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân, Phan Phương khởi động đã được gia đình nhạc sĩ An Thuyên nối tiếp. Tâm sự lúc sinh thời của nhạc sĩ An Thuyên hẳn cũng là nỗi lo lắng của nhiều người: “Chúng tôi lo thay khi chưa có một công trình khoa học nào, một lộ trình chiến lược nào gióng lên tiếng nói về thực trạng trẻ em hôm nay thiếu trầm trọng “chất dinh dưỡng” về tinh thần”. Chính trăn trở ấy đã thôi thúc nhạc sĩ An Thuyên dành tâm sức làm Tổng tập các ca khúc cho thiếu nhi của các nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1930 trở lại đây. Tuy nhiên, sự lan tỏa các ca khúc ở dạng sách in khó mang lại hiệu quả như mong muốn, nhất là khi nhu cầu nghe nhìn của công chúng cũng như trẻ thơ hiện nay lại đòi hỏi ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Chưa kể, một kho tàng ca khúc có giá trị nếu chỉ nằm trên trang giấy với lượng phát hành khiêm tốn càng khó có thể phổ biến rộng rãi. Do vậy, sau khi nhạc sĩ An Thuyên qua đời, dự án đã được các con của nhạc sĩ tiếp tục thực hiện và phát triển trên môi trường kỹ thuật số, chạy trên các trang mạng xã hội cũng như các ứng dụng về âm nhạc. Đến nay, Sing Channel gồm chương trình Những bông hoa nhỏ dành cho các bạn nhỏ có giọng hát hay, Cánh én tuổi thơ khắc họa chân dung nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Đặc biệt, để phù hợp xu thế hội nhập, các bài hát thiếu nhi trên Sing Channel còn có phiên bản tiếng nước ngoài. Sau 5 tháng “lên sóng” trên Youtube, facebook, đến nay, Sing Channel đã được công chúng và các trẻ em nhiệt tình đón nhận và đang từng bước lan tỏa trong cộng đồng. Được biết, dự án còn có tham vọng thay đổi cách dạy và học nhạc trong các nhà trường hiện nay, cụ thể là bên cạnh giảng dạy của giáo viên, sự hỗ trợ của công nghệ sẽ giúp các học sinh tiếp thu kiến thức âm nhạc dễ dàng và chủ động hơn. Theo đó, đề án sách giáo khoa âm nhạc điện tử, dựa trên những ca khúc thiếu nhi đang được dự án triển khai với nhiều tâm huyết. Một thông tin khiến không ít người ngạc nhiên, bất ngờ đó là dự án Sing Channel được thực hiện trên nền tảng gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây, tuy nhiên thực tế trong số này mới chỉ có 20% số tác phẩm được phổ biến rộng rãi, số còn lại vẫn chưa được biết đến, dù trong đó có nhiều bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng như Huy Du, Hồ Bắc, Trần Hoàn... Điều ấy phần nào cho thấy mảng âm nhạc thiếu nhi vẫn còn đang trong tình trạng ít được quan tâm và bị bỏ trống một cách đáng tiếc. Như có nhạc sĩ đã xót xa bày tỏ: “Nhiều nhạc sĩ cũng muốn viết nhạc thiếu nhi, nhưng ai cũng bảo viết để làm gì khi không ai có nhu cầu sử dụng”. Cũng không thể lảng tránh một sự thật là chúng ta đang rất thiếu ca khúc mới, gắn với đời sống trẻ thơ đương đại, đáp ứng được nhu cầu của các em. Đây cũng là điều góp phần lý giải vì sao có sự xuất hiện ngày càng nhiều ca khúc người lớn trong sân chơi của trẻ em.

Đề cập đến sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay, không thể không nhắc đến cuộc thi Giai điệu tuổi hồng dành cho học sinh phổ thông toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức định kỳ hai năm một lần và Liên hoan Búp sen hồng - một hoạt động văn hóa - nghệ thuật hằng năm của các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào cơ cấu dân số của đất nước, cũng có thể thấy con số đó quá ít ỏi. Nhìn trên diện rộng, có thể thấy trẻ em Việt Nam đang rất thiếu những dự án âm nhạc dài hơi, giúp phổ biến rộng rãi các sản phẩm âm nhạc có giá trị, không chỉ là các cuộc thi hát với sự xuất hiện của các ca khúc vốn đã quá quen thuộc đến mức dễ trở nên nhàm chán. Để diện mạo âm nhạc cho thiếu nhi thật sự khởi sắc rất cần sự vào cuộc của giới nhạc sĩ, sự hỗ trợ của truyền thông cũng như sự hợp tác của gia đình, nhà trường và chính các em. Ở đây, đòi hỏi tâm huyết của mỗi cá nhân. Bởi như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng thừa nhận, làm chương trình thiếu nhi rất khó thu lợi nhuận. Việc chấp nhận chuyển hướng từ việc sáng tác cho người lớn mà anh đang gặt hái được nhiều thành công, sang chuyên tâm viết cho thiếu nhi là một sự dũng cảm. Sự dũng cảm đó xuất phát từ mong mỏi chân thành: “Tôi muốn các con mình được xem một chương trình ca nhạc do cha của chúng thực hiện với những bài hát dành riêng cho chúng. Tôi muốn được mọi người ghi nhận và ủng hộ sự cố gắng, đóng góp của tôi cho nền âm nhạc thiếu nhi Việt Nam vốn bị bỏ quên và xem nhẹ suốt bao nhiêu năm qua... Tôi nghĩ dù mình có thành công hay không cũng sẽ có tác động nào đó đến những nghệ sĩ có cùng suy nghĩ, lý tưởng và trái tim như mình”.

Mới đây, chương trình nghệ thuật Tình yêu Hà Nội lần thứ 11 với chủ đề “Tuổi thơ và hòa bình” diễn ra vào ngày 9-11 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội đã được tổ chức với mục đích vinh danh các tác phẩm âm nhạc viết về thiếu nhi, những tác phẩm có sức sống vượt thời gian và không gian, đi vào tâm thức của các lứa tuổi thanh, thiếu niên. Chương trình đã góp thêm tiếng nói tôn vinh các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc dành cho thiếu nhi, đồng thời, góp phần làm mới, lan tỏa hơn những tác phẩm hay, phù hợp tâm lý lứa tuổi và làm đẹp tâm hồn các em nhỏ qua nhiều thế hệ. Trước đó, năm 2017, tại Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề Âm nhạc thiếu nhi: bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ. Đây là những nỗ lực rất đáng khích lệ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần được tiếp tục nhân rộng. Trong bối cảnh nhiều năm qua, đời sống âm nhạc đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới, song sáng tác mới dành cho thiếu nhi vẫn thưa vắng, mờ nhạt thì việc hướng đến trẻ thơ, có thêm nhiều ca khúc mới phù hợp lứa tuổi các em đang là yêu cầu bức thiết, không thể chậm trễ. Bởi khi quan tâm sáng tác âm nhạc dành cho các em, nhạc sĩ đã không chỉ giúp các em thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng, mà còn trực tiếp góp phần giúp các em bồi đắp tâm hồn, sống có mục đích, biết nuôi dưỡng khát vọng và từng bước hoàn thiện nhân cách.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38262402-thua-vang-sang-tac-am-nhac-cho-thieu-nhi.html