Thừa Thiên Huế: Văn hóa vừa là động lực vừa là nền tảng phát triển kinh tế

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức sáng ngày 25/10 tại thành phố Huế. Hội thảo do Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Thông tin tại hội thảo, ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2009 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW “về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”. Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đạt được những thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu “Xây dụng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó đề nghị lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, làm rõ các kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và làm rõ những nguyên nhân, đề xuất về tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển của thành phố Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận trọng tâm vào một số nội dung: Phân tích dựa trên nền tảng đặc thù, đặc trưng của Huế, con người Huế, di sản Huế, Trưởng Ban kinh tế trung ương gợi mở.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, tỉnh Thừa Thiên Huế dần sát lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ, y tế, lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả, đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố văn hóa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “thành phố Xanh quốc gia”; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2009 – 2018 đạt 7,2%/năm cao hơn bình quân chung cả nước; quy mô kinh tế tăng khá gấp 1,9 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: du lịch - dịch vụ (49,33%), công nghiệp & xây dựng (30,86%), nông nghiệp (11,37%); trong đó, dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển.

Mục tiêu phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030 trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tể chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Thừa Thiên Huế kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để phát triển "Thành phố Di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh"

Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế. “Để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh thì cần thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù đối với Thừa Thiên Huế, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) trên một số lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, di sản, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ; quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, ngân sách...”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị.

Cũng tại hội thảo, đã có 19 bài viết, tham luận của các giáo sư, tiến sĩ ở các Bộ, ngành, sự góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực để Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế hiện có. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề, nội dung trọng tâm như đánh giá, làm rõ kết quả tổ chức thực hiện Kết luận 48 trong 10 năm qua; làm rõ và sâu sắc các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận; nhận diện, phân tích đúng bối cảnh trong nước và quốc tế, làm rõ cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề xuất triết lý phát triển, tầm nhìn và hệ mục tiêu phát triển của Thừa Thiên Huế trong tương lai tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước; đề xuất kịch bản phát triển và các giải pháp phát triển Thừa Thiên Huế giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần làm rõ các giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới.

Tiết mục nghệ thuật tại Festival Huế 2018 - Huế thành phố Festival của Việt Nam

Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, Thừa Thiên Huế có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cái đặc thù, đặc trưng nhất của Thừa Thiên Huế là nền tảng văn hóa Huế, đó mới là cái bền vững, là cái riêng có của Huế. Do vậy, Huế phải dựa trên quan điểm lấy văn hóa vừa là động lực vừa là nền tảng để phát triển kinh tế. Nếu không dựa vào quan điểm này thì Huế khác gì các thành phố, địa phương khác và nếu không khác làm gì có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, bên cạnh lấy văn hóa làm nền tảng thì các ngành kinh tế khác khi phát triển cũng dựa trên nền tảng văn hóa cốt lõi này. Từ văn hóa, tính cách của người Huế đề ra hướng phát triển Thừa Thiên Huế thành trung tâm giáo dục; phát triển theo hướng khoa học công nghệ phục vụ cho bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di sản theo hướng thành phố thông minh; phát triển công nghiệp theo hướng sạch, xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều trí tuệ; phát triển thành trung tâm đào tạo y khoa, chữa bệnh của cả nước; phát triển nông nghiệp trên nền tảng phát triển nông sản sạch, chất lượng cao, đào tạo để nông dân làm du lịch …

“Qua hội thảo, Ban kinh tế Trung ương nhất trí với các kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều chuyên gia về việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế là Thành phố Di sản trực thuộc Trung ương, ban hành các tiêu chí để tạo sự phát triển đột phá của tỉnh trong tương lai", Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-van-hoa-vua-la-dong-luc-vua-la-nen-tang-phat-trien-kinh-te-127171.html