Quyền lực nhìn từ lúc 0h

Giá xăng được điều chỉnh giảm lúc 0h, thay vào lúc 15h như thường lệ, thực hiện đúng theo Nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Những sự việc 'nóng' đã liên tục được các đại biểu Quốc hội chất vấn như công tác điều hành thị trường xăng dầu, yêu cầu xử lý hình sự những vụ việc gây nhiễu loạn trên thị trường chứng khoán, bất động sản đã thể hiện rõ kết quả hoạt động của Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân.

Được lời nói, cởi tấm lòng

Giá xăng sau 7 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái, đã quay đầu giảm 2 lần liên tiếp vào hai ngày 21/3 và ngày 1/4, với mức giảm ở lần thứ hai gần gấp đôi lần thứ nhất. Đặc biệt, trong lần thứ hai, việc điều chỉnh giảm được thực hiện vào đúng lúc 0h, thay vào lúc 15h như thường lệ, theo lý giải của lãnh đạo Bộ Công thương là để thực hiện đúng theo Nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Nghị quyết này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, ngày 24/3/2022.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, trong vòng chưa đến 3 tiếng buổi sáng, 24 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong đó có tới ít nhất 20 chất vấn về điều hành thị trường xăng dầu và có lúc Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phải quay sang Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Anh trả lời giúp em một tí!”

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rằng: “nhờ có ý kiến của Chủ tịch thì chắc chắn ý kiến đề xuất của Bộ Công thương nay mai sẽ được xem xét thuận lợi hơn”, khi phân bua về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu. Khi ấy, sốt ruột vì Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời nhưng vẫn chưa làm cho đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) thỏa mãn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải lên tiếng.

“Đại biểu Quốc hội muốn bộ làm rõ khi đi kiểm tra thì các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu này có dự trữ lưu thông đúng với quy định của pháp luật không? Nhất là những đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông, lại vừa làm dự trữ quốc gia, trong khi làm dự trữ quốc gia thì còn được hưởng ngân sách nhà nước về chuyện bảo quản. Bây giờ các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì có dự trữ quốc gia thì anh không thể nói 1 - 2 ngày mất nguồn cung là anh không có xăng bán được. Anh dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật thế nào? Bộ trưởng phải giải thích rõ hơn” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3.

Được lời như cởi tấm lòng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề đạt luôn: “Cơ chế hiện nay chưa có hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia riêng cho nên lại giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế chúng tôi thấy rõ ràng bất hợp lý. Chắc chắn chúng tôi phải kiến nghị với cấp có thẩm quyền, trong đó có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc này”.

Tâm thư lúc “game over”

Cũng tại phiên chất vấn ngày 16/3 đó, trong chưa đầy 3 tiếng buổi chiều, đại biểu truy “kịch liệt” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà về đấu giá đất.

Đại biểu bức xúc về vấn đề này vì sự vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh ngày 10/1, đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm, khiến cuộc đấu giá này trở nên như trò đùa, nhất là khi ngày 10/1 cũng chính là ngày mà Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết ra tay bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC, không thực hiện báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch

Thông điệp đanh thép

Hai tuần sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, giá xăng giảm mạnh vào lúc 0h. Cũng hai tuần sau phiên chất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng lần lượt bị bắt giam, như là một thông điệp đanh thép: Không một cá nhân nào có thể bỡn cợt, thách thức, coi thường pháp luật.

Đã vậy vào lúc “game over”, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng còn có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ rằng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản; rằng kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt cho thị trường, đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định “đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 4/1.

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Có hình sự hóa hay không hình sự hóa vụ đấu giá đất Thủ Thiêm thì phải theo quy định của pháp luật. Tôi không nói trước được điều gì. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm khác sẽ làm rõ” và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long có tham gia “chia lửa”, cùng trả lời: “Chế tài để áp dụng trong trường hợp có vi phạm về đấu giá chúng ta có (luật) dân sự, hành chính và hình sự. Dân sự thì không mua là mất cọc. Hành chính trong lĩnh vực tư pháp có Nghị định 82. Còn hình sự, thì còn hơi vụng về trong vận dụng. Vụ việc vừa rồi xảy ra, tôi không dám kết luận là đúng hay không đúng, có cơ sở hay không có cơ sở”.

Mặc dù vậy, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn quyết liệt yêu cầu phải xử lý hình sự những vụ việc đang gây nhiễu loạn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, như phát biểu của đại biểu Tạ Văn Hạ, “phải xử lý thật nghiêm bởi đây chính là âm mưu phá hoại nền kinh tế của đất nước”.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh chiều 23/1/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội cần lên án mạnh, giám sát chặt những vụ việc bán chui cổ phiếu, kết quả đấu giá đất bất thường gây nhiễu loạn thị trường… để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. “Sức mạnh của Quốc hội chính là sự công khai, minh bạch và yêu cầu giải trình. Cho nên, các đại biểu cần thảo luận kịp thời, chất vấn đầy đủ, chính xác, thực hiện tốt nhất chức năng giám sát” - ông nói.

Đảm bảo mối quan hệ căn cơ

Cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 24/3, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thống nhất sẽ ban hành quy chế phối hợp giữa hai cơ quan để công tác phối hợp chặt chẽ hơn, có tính bao quát rộng hơn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản gồm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, mục tiêu bao trùm mọi hoạt động của Quốc hội là phải bảo đảm mối quan hệ căn cơ giữa hai nhiệm vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã ký 3 quy chế phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Văn phòng Quốc hội. Bộ Công an cũng đã tích cực, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, báo cáo với các đoàn giám sát, đoàn khảo sát của các cơ quan của Quốc hội. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát, Bộ Công an đã tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Nguyên Mẫn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quyen-luc-nhin-tu-luc-0h-103213.html