Thừa Thiên Huế: Tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Phố cổ Bảo Vinh là một phần của di sản văn hóa Huế. Tuy nhiên, hiện những ngôi nhà cổ tồn tại trên trăm năm tuổi ở đây cứ xuống cấp, mất dần theo thời gian. Người dân luôn thấp thỏm lo âu vì nhà có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Trong lúc đó, nhà mới thì mọc lên nhiều hơn, khang trang hơn khiến phố cổ này khó tồn tại được lâu…

Phố cổ Bao Vinh ngày nay không còn nguyên vẹn

Nguy cơ “xóa sổ”

Cách trung tâm TP. Huế chừng hơn 3 km, phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) tồn tại từ khoảng thế kỷ 19 đến nay, từng là thương cảng sầm uất, nổi tiếng với những công trình cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa ở kinh đô Huế...

Đây từng một thời được sánh ngang với phố cổ Hội An bởi sau khi phố cảng Thanh Hà nằm gần đó dần lụi tàn, Bao Vinh nổi lên là nơi tập trung giao thương hết sức sôi động về đường thủy. Tàu lớn thuyền nhỏ từ khắp trong cả nước tấp nập cập bến Bao Vinh buôn bán, trao đổi hàng hóa sản vật. Bao Vinh từng chứng kiến có rất nhiều tàu buôn lớn đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… đến buôn bán ở đây.

Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử nên Bao Vinh cũng dần mất đi tầm quan trọng và đi vào quên lãng. Nay phố chỉ còn lại một vài vết tích, hiện những ngôi nhà cổ tồn tại trên trăm năm tuổi cứ mất dần theo thời gian, một vài nhà còn sót lại nhưng xuống cấp nặng…

Có mặt tại phố cổ, PV nhận thấy các nhà cổ còn lại nằm nép mình dưới bóng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Một số nhà xuống cấp, tiều tụy, rách nát có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào; những mảng rêu xanh dày đặc trên mái ngói âm dương, những bức tường thì loang lổ gạch vỡ.

Ngoài ra, không ít nhà bị “biến dạng” không còn giữ được nguyên vẹn do người dân đã sửa chữa lại một cách tùy tiện để thích hợp với cuộc sống hiện đại.

Ông Lê Quang Chất- chủ nhân của ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi cho biết: “Trước đây, đã có người đến đặt vấn đề đổi toàn bộ khung gỗ ngôi nhà cổ này bằng gỗ mới, họ sẽ trả thêm 12 cây vàng nhưng tôi đã từ chối. Do tồn tại quá lâu, ngôi nhà đã bị thấm dột, mối mọt làm xuống cấp dần...”.

Những ngôi nhà cổ cứ mất dần theo thời gian, một vài nhà còn sót lại nhưng xuống cấp…

Cạnh đó, nhà của ông Phan Gia Đắc cũng chẳng khá hơn, mái nhà bị mục nát, tầng lầu bị hư hỏng nhiều nên ông Đắc không dám ở mà chỉ làm nơi thờ tự... Nhiều người dân sống trong các nhà cổ ở đây cho hay khi có bão, họ đã cố hết sức để giữ gìn nhưng cũng chẳng ăn thua.

Theo ông Nguyễn Xuân Ty- Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, việc quy hoạch khó khăn vì không gian phố cổ chật chội và chính sách không có sự tác động hỗ trợ.

“Phố cổ trở nên mai một. Rất nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần nêu ý kiến. Do bức xúc nhiều nhà đã sửa chữa, dẫn đến phố cổ không còn nguyên vẹn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị xem xét lại quy hoạch lại phố cổ để tôn tạo bảo tồn, nhưng vấn đề không được giải quyết”- ông Ty nói.

Tìm cách giải cứu

Vào năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh. Trong đó quy hoạch chi tiết toàn bộ khu phố với diện tích 8ha. Nhưng cho đến tận bây giờ tất cả chỉ tồn tại trên giấy, mặc cho số lượng nhà cổ liên tục “mất” một cách chóng mặt.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa diễn ra, vấn đề quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh đã được các đại biểu tranh luận rất sôi nổi.

Một số hộ dân Bao Vinh muốn giữ gìn phố cổ nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Hoàng Hải Minh- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phê duyệt quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh có từ năm 2003, song sau 5 năm phải rà soát và điều chỉnh lại theo quy định. Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ này được rà soát 2018- 2019.

“Về đề xuất giải pháp, hiện thị xã Hương Trà đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Để tranh thủ ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, KOICA đã nghiên cứu và đưa vấn đề này vào trong tổng thể dự án chung. Hiện có hơn 30 nhà truyền thống ở Bao Vinh có nguy cơ xuống cấp sẽ được bảo tồn theo hướng bảo tồn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... hình thành các tuyến đường chính, kết hợp các bãi đổ xe đầu phố cổ và đường Đặng Tất thuận tiện đậu đỗ, hình thành bến thuyền ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho khách di chuyển. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương dự kiến hoàn thành 2018 đầu 2019 sẽ hoàn thành và kế hoạch bảo tồn 30 ngôi nhà truyền thống này hy vọng sẽ được triển khai sớm”- ông Minh nói.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Trường Hợi trăn trở, hiện phố cổ Bao Vinh còn khoảng 10 ngôi nhà truyền thống, 6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 nhà kiến trúc Pháp đang còn sử dụng tốt. Các ngôi nhà khác đã đập để xây lại hết rồi nhưng không có chế tài nào xử phat. Liệu chúng ta có nên bảo tồn hay không? Hầu như UBND tỉnh không quan tâm đến phố cổ Bao Vinh…

Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, phố cổ Bao Vinh có ý nghĩa trong lịch sử hình thành kinh đô Huế. Việc quy hoạch và bảo tồn phố cổ này cần thận trọng vì dễ rơi vào hai thái cực nên cần nghiên cứu kỹ, tạo chính sách và sinh kế cho người dân thì họ mới có ý thức giữ gìn và bảo tồn di sản. Nhìn từ Nhật Bản, chúng ta có một số điểm tương đồng và bài học kinh nghiệm. Như Trung Quốc có các phố cổ quy mô lớn nhưng họ cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó cần quy hoạch, chính sách hợp lý, sinh kế hài hòa mới có thể gìn giữ được khu phố cổ này.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở VHTT thông tin, về bảo tồn phố cố Bao Vinh đã giao cho UBND thị xã Hương Trà.

“Trước mắt cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ căn nhà cổ. Bên cạnh đó cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thốn mới thu hút được khách du lịch. Sở VHTT đã làm việc với thị xã Hương Trà, tuy nhiên địa phương cho biết rất khó khăn về nguồn ngân sách hỗ trợ, tôi nghĩ cần có chính sách ưu đãi như đã thực hiện với nhà vườn Phước Tích”- ông Dũng cho hay.

Bài, ảnh: Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-tim-phuong-an-bao-ton-pho-co-bao-vinh-1262886.html