Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vừa thông qua Nghị quyết về Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết, nhóm các di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử cách mạng, lịch sử lưu niệm sự kiện (hoặc loại hình khác nhưng gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh); di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và có giá trị khảo cổ tiêu biểu; di tích lịch sử lưu niệm (danh nhân) cấp quốc gia và gặp khó khăn trong việc huy động xã hội hóa; di tích khảo cổ; Làng cổ Phước Tích sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với các di tích.

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Chung

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Chung

Đối với nhóm các di tích thuộc quyền sở hữu tài sản của cộng đồng dân cư; di tích có tính chất tâm linh (di tích lịch sử ngành nghề truyền thống; di tích lịch sử, lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật là đình, chùa, đền, miếu, phủ thờ; di tích lịch sử lưu niệm (danh nhân) cấp tỉnh) và gặp khó khăn trong việc huy động xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo tổng mức đầu tư. Theo đó, với tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng: Hỗ trợ 50%; Tổng mức đầu tư từ 2 tỷ đến 5 tỷ: Hỗ trợ 70%; Tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng: Hỗ trợ 80%.

Nhóm các di tích thuộc quyền sở hữu tài sản của cá nhân, gia đình, dòng tộc (từ đường, nhà thờ họ) và không thuộc nhóm đối tượng di tích nêu tại mục a, mục b, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng theo tổng mức đầu tư như sau: Tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng: Huy động 100% xã hội hóa; Tổng mức đầu tư từ 1 tỷ đến 5 tỷ: Hỗ trợ 30%. Tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng: Hỗ trợ 50%; Tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng: Hỗ trợ 70%...

Theo báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá hiện trạng từng di tích và xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 để trình HĐND tỉnh thông qua lần này là hết sức cần thiết và kịp thời.

Qua làm việc với các địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác tu bổ, phục hồi di tích là khâu lập các quy trình thủ tục để tu bổ, đặc biệt là các di tích cấp Quốc gia mất nhiều thời gian và qua nhiều thủ tục. Ngoài ra, việc tu bổ, phục hồi di tích là công việc khó, phức tạp, nhất là việc đảm bảo tu bổ, phục hồi phải giữ được tính nguyên gốc của di tích. Vì vậy, Ban đề nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở VH&TT và các ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình thủ tục cần thiết cũng như làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt các dự án tu bổ, phục hồi di tích.

Bên cạnh đó, Ban này cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế cần quan tâm bố trí kinh phí cho công tác tu bổ, trùng tu di tích do địa phương quản lý, khắc phục tình trạng trông chờ vào ngân sách cấp trên.

Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản cho người dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích, đặc biệt hệ thống di tích đình làng, nhà thờ họ, chùa quán.../.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thua-thien-hue-thong-qua-nghi-quyet-ho-tro-dau-tu-bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-cac-di-tich-da-duoc-xep-hang-20201208121544565.htm