Thừa Thiên - Huế: Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, trong 2 ngày 16-17/3 đàn lợn của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có đến 3 con bị chết bất thường. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy đàn lợn của gia đình ông Uẩn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Thú y Thừa Thiên - Huế trả lời báo chí.

TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Thú y Thừa Thiên - Huế trả lời báo chí.

Chiều ngày 18/3, Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền huyện Phong Điền tổ chức tiêu hủy 2 con còn lại.

Từ hiện trường trở về, trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Thú y Thừa Thiên - Huế cho biết, qua điều tra ổ dịch cho thấy hộ ông Uẩn không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng mà chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp (do Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam sản xuất); trước khi bệnh xảy ra, hộ ông Uẩn cũng không sử dụng thịt lợn làm thực phẩm.

Hơn nữa, khu chăn nuôi của gia đình nằm tách biệt phía sau nhà ở thôn Hiền An. Tuy nhiên, trên địa bàn này lại có Khu du lịch Nước suối nóng Thanh Tân, lượng du khách đến nghỉ dưỡng khá đông và vì là vùng bán sơn địa nên cũng không trừ chim thú mang mầm bệnh.

Hiện Chi cục Thú y tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức xác minh, điều tra nguyên nhân phát sinh ổ dịch.

PV: Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện, vậy Chi cục đang ứng phó như thế nào?

TS Nguyễn Văn Hưng: Sau khi tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh,chúng tôi đã tăng cường vệ sịnh, tiêu độc, khử trùng gia trại của ông Uẩn 2 lần trong ngày; tiến hành giám sát , nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe của lợn tại các hộ chăn nuôi ở thôn Hiền An; đồng thời thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông xung quanh ổ dịch để tiêu độc các phương tiện vào-ra vùng có dịch.

Chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương xã Phong Sơn thống kê và cấp 80 lít Benkocid và 2 tấn vôi bột cho 477 hộ chăn nuôi ( 4.236 con lợn) để xử lý ổ dịch và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; đồng thời tổ chức để các hộ chăn nuôi ở đây thực hiện 5 không trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Còn các vùng lân cận?

- Chúng tôi đã phối hợp UBND huyện Phong Điền triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp theo Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 1/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 20/11/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 20/2/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.

Cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm lợn nhiễm bệnh của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn ở xã Phong Sơn.

Đối với 19.000 hộ, doanh nghiệp chăn nuôi và 12.000 kinh doanh giết mổ gia súc trên địa bàn chúng tôi đã phát tờ rơi và nhận được sự cam kết thực hiện của họ; riêng các khu giết mổ tập trung, chúng tôi tăng cường kiểm tra lâm sàng, chỉ có lợn có nguồn gốc rỏ ràng, không bị dịch bệnh mới cho lưu thông nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa bệnh lây lan.

Ngoài 2 chốt ở Phong Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng đã quyết định thành lập 3 chốt kiểm dịch tại Quốc lộ 49, xã Điền Hương, tại cầu Hòa viện, xã Phong Bình, và tại cầu Phước Tích, xã Phong Hòa nhằm ứng trực, xử lý 24/24 giờ các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, Chủ nhật) nhằm kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Phạm Hữu Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/thua-thien-hue-tap-trung-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-tintuc432387