Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025

Ngày 14/12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 54 về 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tân văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Nghị quyết cũng đặt ra cho tỉnh Thừa Thiên Huế một số chỉ tiêu. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị đi sản. Hoàn thành việc mở rộng TP Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500 - 4.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 53-54% GRDP; công nghiệp và xây dựng 31 - 32%; nông nghiệp 7 - 9%; thuế sản phấn trừ trợ cấp sản phẩm 6 - 7%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 62 - 65%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56 - 57%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 65 - 70%.

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Giai đoạn 2026 – 2030, tăng trưởng GRDP 7-8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 13-15%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP; công nghiệp và xây dựng 33 - 34%; Nông nghiệp 5 - 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dưới 5 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%, 100% dân số sử dụng nước sạch. 100% các khu đô thị, 85% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ lao động được đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 75- 80%.

Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Thừa Thiên Huế sẽ là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh cơ cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Quy hoạch bố trí lại dân cư, sắp xếp hình thành các cụm ngành sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phá triển nhanh và bền vững Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng, mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Cũng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội và cũng cố quốc phòng, an ninh. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an ninh; Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thua-thien-hue-se-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-vao-nam-2025-20191214133954468.htm