Thừa Thiên Huế: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hơn 34 nghìn tỷ đồng

Đó là nội dung chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế tại Hội nghị ngành công thương triển khai các chỉ tiêu phát triển công nghiệp – xuất khẩu năm 2019, diễn ra chiều ngày 28/2 tại thành phố Huế.

Theo Sở Công thương Thừa Thiên Huế, năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên mức tăng này thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2018 là 12%, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 2,86%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 13,8%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 3,91%...

Hội nghị doanh nghiệp ngành công thương triển khai các chỉ tiêu phát triển công nghiệp - xuất khẩu 2019

Hội nghị doanh nghiệp ngành công thương triển khai các chỉ tiêu phát triển công nghiệp - xuất khẩu 2019

Các sản phẩm chủ lực của tỉnh bao gồm: Sản xuất bia ước đạt 226 triệu lít, tăng 15,21%; Dệt may duy trì tốc độ tăng trưởng khá (sợi các loại 89 nghìn tấn, tăng 12,91%, quần áo lót 340 triệu cái, tăng 12,68%); sản xuất men frit đạt 185 nghìn tấn, tăng 31,1%; chế biến thủy hải sản có tốc độ phát triển mạnh (sản lượng tôm đông lạnh ước đạt 6.769 tấn, tăng 39,98%); sản xuất xi măng có dấu hiệu chững lại do thị trường tiêu thụ bão hòa…

Năm 2019, các chỉ tiêu phát triển mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao ngành công thương thực hiện bao gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tăng 10,5%; giá trị sản xuất công nghiệp từ 34.000 – 35.000 tỷ đồng. Với các sản phẩm công nghiệp chủ lực: Bia 230 triệu lít, xi măng 3 triệu tấn, dệt may (sợi 95.000 tấn, quần áo lót 350 triệu sản phẩm); điện sản xuất 1.450 triệu kWh; xuất khẩu hàng hóa đạt 1.055 triệu USD…

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế - giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt từ 34-35 nghìn tỷ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, hội nghị là diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi, đề xuất, lắng nghe những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Sở Công Thương. Qua đó, những cam kết, yêu cầu của các doanh nghiệp sẽ được Sở rà soát và thực hiện ngay, với mục đích cao nhất là hoàn thành các kế hoạch đề ra. "Sở Công Thương sẽ luôn luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình" - ông Thanh khẳng định thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-phan-dau-gia-tri-san-xuat-cong-nghiep-hon-34-nghin-ty-dong-116381.html