'Thừa Thiên - Huế phải là trung tâm phát triển nguồn nhân lực của miền Trung'

Ngày 11/11, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của địa phương năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Tham dự buổi làm việc có: Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, cùng các đơn vị trong bộ; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ông Lê Trường Lưu Bí thư tỉnh Ủy; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 7.379 lao động (499 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 7.500 lao động bị thôi việc, mất việc, chiếm 12% lực lượng lao động trên địa bàn. Về giáo dục nghề nghiệp, trong 9 tháng, 5.648 lao động đã đăng ký học nghề.

Tỉnh hiện có 2.366 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 58 Mẹ còn sống), 136nghĩa trang liệt sĩ, đền, nhà bia ghi công liệt sĩ. Hằng năm, ngân sách Trung ương đầu tư sửa chữa và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đền, nhà bia ghi công liệt sĩ trong toàn tỉnh khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2020 tiếp tục sửa chữa mộ và nâng nền mộ do bị xuống cấp tại các nghĩa trang liệt sĩ và thay 265 bia mộ khắc dòng chữ "liệt sĩ vô danh", thành "liệt sĩ không xác định được danh tính" tại các huyện, thị xã.

Về nhà ở NCC, tỉnh đã hỗ trợ cho 4.954hộ (hỗ trợ xây mới 1.066 hộ; cải tạo, sửa chữa 3.888 hộ).

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc.

Về công tác giảm nghèo, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, tỉnh đã tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 8,36% đầu năm 2016 xuống còn 4,17% vào cuối năm 2019 và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân; bình quân giảm 0,94%/năm là vượt chỉ tiêu Chính phủ giao giảm 0,87%/năm.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, việc đầu tư phát triển các trường nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao là hết sức cần thiết. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm phê duyệt và đầu tư Đề án Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên - Huế vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao trong giai đoạn tới với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

"Tỉnh đang đầu tư phát triển Khu kinh tế Chân Mây, vì vậy mong Bộ hỗ trợ xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực cho Huế và cả khu vực miền Trung. Tỉnh cũng đề nghị Bộ quan tâm hỗ trợ nguồn lực để nâng cấp, xây dựng phần mềm điều tra cung - cầu lao động; đầu tư hạ tầng, công nghệ hiện đại để phát triển thị trường lao động, nhằm giúp các đối tượng thất nghiệp, bị giãn việc; đề xuất Bộ hỗ trợ xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi với diện tích 7.151m2,, quy mô nuôi dưỡng 200 người cao tuổi. Tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Đầu tư bổ sung các hạng mục ở nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Huế...", ông Thọ đề nghị.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ khó khăn, thách thức bão lũ mà nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phải gánh chịu thời gian qua.

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Trước hết, tỉnh chăm lo cho ngành LĐ-TB&XH, phát triển an sinh xã hội, đặt con người là trung tâm chính sách xã hội và kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, xã hội hóa các chính sách xã hội. Đặc biệt chú ý đến đối tượng yếu thế, đảm bảo mức sống của NCC phải cao hơn mức sống của người dân trên địa bàn; quân tâm đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Pa kô, Vân Kiều…

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng đề tỉnh cần tập trung bồi dưỡng phát triển nhân chất lượng cao. "Huế phải là trung tâm phát triển nguồn nhân lực của miền Trung, đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với quy hoạch của địa phương, quy hoạch của các ngành", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, Huế cần tập tập trung phát triển dịch vụ đa dạng, gắn với hiện đại hóa hệ thống quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Về những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ trưởng đồng ý tỉnh phải có trường chất lượng cao và giao Tổng cục GDNN hướng dẫn, xây dựng kế hoạch thông qua chương trình mục tiêu, dự án.

Đồng ý xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp nhưng đầu tư trung tâm cai nghiện riêng, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ... Bộ trưởng chỉ đạo Cục NCC ngay tại cuộc họp từ nay đến cuối năm giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ tồn đọng của tỉnh...

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đơn vị trong Bộ cũng đã tham mưu, góp ý giải quyết khó khăn trong lĩnh vực GDNN, NCC, lao động việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo... mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất.

VĂN LÝ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thua-thien-hue-phai-la-trung-tam-phat-trien-nguon-nhan-luc-cua-mien-trung-20201111202733149.htm