Thừa Thiên - Huế, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh

Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản, xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Từng bước khẳng định vị thế

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế tỉnh Thừa Thiên - Huế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển. Ngoài ra, tỉnh vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo thống kê, kinh tế Thừa Thiên -Huế tăng trưởng bình quân ước đạt 6,3 - 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.100 USD, đứng thứ 3 của Vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 105.180 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm.

Một số sự kiện nổi bật của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong nhiệm kỳ qua đó là; triển khai thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế. Rồi phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần được Thủ tướng Chính phủ có thư khen, biểu dương.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á - Telecom Asia Awards 2019”; Huế-S trở thành công cụ kết nối giữa người dân và chính quyền; Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử, được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng là địa phương dẫn đầu toàn quốc về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh.

Sự kiện nữa là việc khởi công và hoàn thành các dự án giao thông quan trọng (cao tốc La Sơn – Túy Loan, hầm đường bộ Hải Vân thứ 2; nhà ga hành khách T2 cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn). Đồng thời, cơ bản hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước.

Ngoài ra, khánh thành và đưa vào sử dụng cầu đường đi bộ trên sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được người dân hết sức hoan nghênh; tỉnh đang tiếp tục đầu tư hệ thống đường đi bộ, xe đạp và chỉnh trang cây xanh dọc hai bờ sông Hương.

Hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM cấp xã (60%). Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM đối với 2 đơn vị cấp huyện là Hương Thủy và Quảng Điền (đang làm hồ sơ, thủ tục công nhận).

Việc cải cách hành chính trong nhiệm kỳ qua ở Thừa Thiên - Huế cũng ngày càng tốt lên. Tỉnh đã thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Đồng thời, các chỉ số ICT, PCI, PAPI, PAR Index năm 2019 có nhiều tiến bộ vượt trội so với đầu nhiệm kỳ, cụ thể: Chỉ số ICT xếp vị thứ 2 (tăng 3 bậc so với năm 2018), Chỉ số PCI xếp vị thứ 20 (tăng 10 bậc so với năm 2018), Chỉ số PAPI xếp vị thứ 5 (tăng 38 bậc so với năm 2018), Chỉ số CCHC (PAR Index) xếp vị thứ 13 (tăng 3 bậc so với năm 2018).

Bằng những kết quả đạt được, có thể thấy Thừa Thiên - Huế đã từng bước khẳng định vị thế là trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Du lịch - mũi nhọn kinh tế

Thừa Thiên - Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Với gần 1000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận, đó là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Mới đây, Huế cùng 8 tỉnh, thành phố khác tiếp tục trở thành chủ nhân của thêm một di sản vừa được UNESCO công nhận đó là nghệ thuật bài chòi.

Thừa Thiên - Huế có hơn 500 lễ hội; đặc biệt, Festival Huế đã tạo nên nét độc đáo cho vùng đất này. Nhiều làng nghề cũng đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.

Ngoài ra tỉnh này còn có vịnh Lăng Cô, nằm trong các vịnh biển đẹp nhất thế giới; nơi đây còn có tới 1700 món ăn độc đáo, hấp dẫn… Vì vậy, Thừa Thiên - Huế hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch lớn.

Nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực Châu Á; trong thời gian tới Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.

Đô thị Huế sẽ mang đặc trưng riêng theo hướng di sản, văn hóa, thông minh và thân thiện với môi trường.

Trước hết, ưu tiên phát triển các khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế gắn với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái có sự khác biệt và cao cấp. Đẩy mạnh thu hút các tập đoàn du lịch lớn, có thương hiệu quốc tế. Hỗ trợ, đốc thúc tiến độ các dự án đầu tư du lịch trọng điểm trên địa bàn.

Tập trung phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch. Trọng tâm là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và tăng tính trải nghiệm như tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể di tích Cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội để phục vụ du khách.

Từng bước tái hiện không gian văn hóa Cung đình, Thái Y viện; khai thác sản phẩm văn hóa qua các kỳ Festival Huế như Lễ hội áo dài, ẩm thực Cung đình Huế và một số sản phẩm cung đình đặc sắc khác.

Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, khác biệt, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao, có thương hiệu. Đồng thời, tập trung xây dựng Huế thành kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ ca Huế; tiếp tục tổ chức Festival Huế theo hướng trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, nhằm góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến vệ tinh; nhất là các hình thức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... ở các khu vực đồi núi, suối thác, đầm phá và đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch biển đảo để thu hút du khách.

Phải phát huy danh hiệu thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Du lịch Sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế Thừa Thiên - Huế là Trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao phong trào bảo vệ môi trường của tỉnh và việc di dời dân cư vùng Thượng Thành thời gian qua. Tỉnh Thừa Thiên - Huế còn là địa phương đi đầu trong công nghệ thông tin; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới mà văn kiện đã nêu. Thừa Thiên - Huế phải là trung tâm, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh của khu vực miền Trung. Muốn vậy, cần phải nỗ lực phấn đấu rất lớn, quyết tâm cao mới thực hiện được.

Đây là trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế cần năng động, sáng tạo hơn nữa; chú ý đến vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, sản xuất, phát triển vùng; có những kết nối các di sản với các địa phương.

Trước đó, vào ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Lê Tám Bảy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/thua-thien-hue-noi-hoi-tu-tiem-nang-the-manh-550984.html