Thừa Thiên Huế: Nhiều trường thiếu phòng, việc học tập khó khăn

Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu là bậc tiểu học và mầm non đang trong tình trạng thiếu phòng học, điều này khiến việc dạy và học của thầy trò gặp nhiều khó khăn...

Nhiều trường học tại Huế xuống cấp nặng

Thiếu phòng học nghiêm trọng

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Trường An (TP. Huế), trường đã cũ kỹ, có rất nhiều phòng học xuống cấp nặng. Nhiều vết nứt xuất hiện lan rộng chân tường, trần nhà; cột kèo hiện đã mục ruỗng, nhiều mảng tường đã bong tróc để lộ kết cấu bên trong và bám rêu phong. Để thay thế cho các cột trụ, nhà trường đã khắc phục tạm thời bằng việc dựng các trụ sắt. Những lớp tróc thì trường cho quét xi măng tạm; ngoài ra còn dán thông báo và khóa trái cửa bên ngoài để học sinh tránh xa...

Qua trao đổi với PV, thầy Lê Thanh Sơn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường An cho hay, trường đã được xây dựng hơn 60 năm, qua thời gian và thời tiết thì trường hư hỏng nặng nề. Đầu năm học 2018-2019, trường đã quyết định thuê phòng học mới cho các em học sinh để đảm bảo an toàn và đã làm các thủ tục liên quan để xin xây dựng lại các phòng học mới.

Lãnh đạo trường Tiểu học Trường An phải dán thông báo các phòng học không thể sử dụng được

“Hiện nhà trường đang thuê trụ sở của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia cách đó không xa trên đường Phan Bội Châu. Cụ thể thuê 7 phòng học để cho gần 500 học sinh 14 lớp thuộc hai khối 4, 5 theo học. Việc thuê phòng học mới này tuy có ảnh hưởng đôi chút đến việc đưa đón của phụ huynh cũng như sự di chuyển của một vài giáo viên bộ môn nhưng ai cũng đồng tình bởi chỗ thuê vừa khang trang, đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như sự an toàn cho các em...”- thầy Sơn chia sẻ.

Tương tự, tại nhiều trường nông thôn ở huyện Phú Lộc cũng rơi vào tình trạng thiếu phòng học trầm trọng. Trường THCS Lộc Tiến (xã Lộc Tiến) có 17 lớp học nhưng hiện có 1 dãy phòng học đang xuống cấp nghiêm trọng nên các em không có đủ phòng để học. Vì vậy, nhà trường đành trưng dụng các phòng: chức năng, phòng giám hiệu, phòng vi tính để đảm bảo việc học trước mắt.

Cách đó không xa, tại Trường Tiểu học Lộc Tiến có 28 lớp nhưng thiếu khoảng 8 phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/1 ngày đối với toàn bộ học sinh của trường. Trường Tiểu học Nước Ngọt 2 (xã LộcThủy) có 20 lớp nhưng hiện chỉ có 10 phòng học...

Các em học sinh không còn cách nào khác là phải đi học tạm nơi khác...

Trong khi đó, một trong những trường tiểu học thuộc top đầu của TP. Huế với hơn 1.000 học sinh theo học là trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng thiếu phòng học.

Ông Dương Quang Nam-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, trường được xây dựng từ năm 1953 và hiện một dãy gần 10 phòng học đang xuống cấp, trần nhà bị thủng, các kết cấu trụ bị bong tróc, trơ khung sắt, nhiều mảng tường sập đổ. Hiện nhà trường đã cho niêm phong toàn bộ dãy phòng học này vì lo sợ dãy phòng học đổ sập bất cứ lúc nào. Để giải quyết tình trạng thiếu phòng, trường đành tận dụng các phòng chức năng như tin học, tiếng Anh, phòng thư viện, phòng âm nhạc để học tạm

Tại huyện Phong Điền, nhằm thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học thì hiện còn thiếu 25 phòng học. Đối với bậc mầm non thiếu 13 phòng học, trong đó nhiều trường có 5 lớp nhưng chỉ có 3 phòng học như mầm non Phong Sơn 1, Phong Chương 1, Phong Hải...

Dãy phòng ở trường THCS Lộc Tiến (ảnh) đã lâu năm và xuống cấp

Nguy cơ mất chuẩn quốc gia

Ông Phạm Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bước vào năm học mới, tình hình cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn đã có những bước cải thiện đáng kể. Các huyện, thị xã, thành phố bằng nhiều nguồn vốn đã đầu tư mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, đóng mới 2.800 bộ bàn ghế, hoàn thành 170 phòng học mới đưa vào sử dụng.

“Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 444 phòng học ở các cấp học. Cụ thể, mầm non còn thiếu 97 phòng, tiểu học 211 phòng để thực hiện học 2 buổi/ngày; THCS thiếu 113 phòng; THPT thiếu 23 phòng. Ngoài ra, hiện có 492 nhà vệ sinh (học sinh và giáo viên) xuống cấp cần cải tạo nâng cấp sửa chữa...”- ông Hùng thông tin.

Tình trạng thiếu phòng học không chỉ ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy trò mà còn kéo theo nhiều “hệ lụy” khác, nhất là vấn đề trường mất chuẩn quốc gia.

Có thể kể đến như trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) sau nhiều năm nỗ lực đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 7/2003. Tuy nhiên đến năm 2013, đoàn kiểm tra xét tình hình về cơ sở vật chất, chất lượng không đảm bảo nên thu hồi danh hiệu này.

Nhiều ngôi trường đã và đang đứng trước nguy cơ mất chuẩn quốc gia

“Trước đây, trường thiếu phòng học nên được ghép chung giữa phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường, giáo viên và các phòng chức năng. Sau nhiều lần kêu cứu, năm 2016 trường được một ngân hàng tài trợ dãy nhà 9 phòng học và nay phòng học đã đủ. Tuy nhiên hiện phần cổng, tường rào, sân trường vẫn chưa được đầu tư; trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường còn thiếu nên để khôi phục lại danh hiệu đạt chuẩn là khó”- thầy Nguyễn Hữu Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ cho hay.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Quảng Điền, hiện Trường Tiểu học Thị trấn Sịa 1 và Tiểu học Thị trấn Sịa 2 cũng đứng trước nguy cơ mất chuẩn quốc gia do thiếu phòng học.

Đươc biết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 100 điểm trường đang xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn sử dụng. Trong giai đoạn 2016- 2020 nguồn vốn đầu tư cho giáo dục từ nguồn ngân sách là 576,2 tỷ đồng cho 55 dự án. Trong lúc đợi nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp; việc dạy và học vẫn phải được tiến hành dưới những căn phòng không đảm bảo an toàn, nỗi lo luôn thường trực trong từng tiết học, nhất là mùa thiên tai sắp đến gần.

Bài, ảnh: Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-nhieu-truong-thieu-phong-viec-hoc-tap-kho-khan-1260976.html