Thừa Thiên - Huế: Nhiều nơi vẫn tiếp tục ngập sâu

Lũ lụt đã làm 4 người tử vong, hơn 58.000 nhà dân bị ngập nặng, nước sông đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, hàng ngàn ha nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Nước sông Bồ đạt đỉnh lũ lịch sử

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng. Dự báo tổng lượng mưa tính từ ngày 11/10 đến hết ngày 13/10 phổ biến 200-400mm, có nơi trên 400mm.

Mực nước sông Hương và các sông đang lên nhanh, vượt mức báo động III; đặc biệt, tại sông Bồ nước đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Nhiều vùng ở Thừa Thiên - Huế vẫn đang bị ngập sâu, có nơi gần 2m, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe thuyền.

 Lũ lụt đã khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Thành.

Lũ lụt đã khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Thành.

Các hồ ở Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, thủy điện Hương Điền xả về hạ du 3.410 m3/giây, Bình Điền 1.916 m3/giây. Còn hồ thủy lợi Tả Trạch 1.296 m3/giây.

Đến nay, lũ lụt ở Thừa Thiên - Huế đã làm 4 người tử vong, toàn tỉnh có hơn 58.000 nhà dân bị ngập từ 0,5-1,8m, một số nơi ngập sâu hơn; 8 ngôi nhà dân bị sập, tốc mái; mưa lũ cũng đã làm chia cắt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, sạt lở nặng. Mưa lũ đã làm 286 ha hoa màu, 105 ha sắn, 73.400 chậu hoa cúc vụ tết và 2.000ha thủy sản bị thiệt hại.

Ảnh hưởng của sóng biển và triều cường hơn 10km bờ biển ở Huế tiếp tục bị sạt lở nặng, một số công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục phương tiện để tiến hành di dời người dân nơi vùng nguy hiểm, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại do mưa, lũ.

Không để dân thiếu đói

Trước tình hình mưa lũ còn phức tạp, sáng 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó lũ lụt trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phải di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm. Ảnh: Tiến Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, việc điều tiết hồ đập trong những ngày qua là phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân. Những kinh nghiệm đối phó với mưa lũ trong thời gian qua là cơ sở để tỉnh chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng chống với mưa lũ.

“Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ. Đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân đang di dời. Tiên lượng đầy đủ tình hình khi người dân trở về sau khi nước rút. Các ngành điện, nước, viễn thông cần đảm bảo kết nối, nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Cùng với đó, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

TIẾN THÀNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thua-thien--hue-nhieu-noi-van-tiep-tuc-ngap-sau-d275006.html