Thừa Thiên Huế nhiều khó khăn khi nắng hạn bất thường giữa mùa mưa

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 10, tháng 11 hàng năm là thời kỳ mưa lũ chính vụ. Tuy nhiên năm nay thời tiết diễn biến bất thường, ít mưa, nắng hạn đã gây nhiều khó khăn không chỉ cho hoạt động sản nông nghiệp, sản xuất điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, dịch bệnh.

Khô hạn bất thường

Theo báo cáo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, năm nay lượng mưa trên địa bàn rất ít, tại khu vực huyện Nam Đông chỉ đạt 25%, huyện A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Qua đó kéo theo mực nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện và dòng chảy các sông ở hạ lưu đều thấp hơn nhiều năm.

Hiện mức nước tại các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gần bằng với mực nước chết

Tại nhà máy thủy điện Bình Điền mực nước hiện tại đang ở mức 55m, cao hơn mực nước chết 2m, thấp hơn mực nước trung bình hàng năm 14m. Ông Nguyễn Quang Hải – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền cho biết, mặc dù đang trong mùa lũ chính vụ nhưng lượng nước về hồ rất thấp, hồ đang thiếu khoảng 340 triệu m3 so với mực nước các năm. Hiện nhà máy chỉ phát điện cầm chừng, ngày chỉ chạy vài tiếng để đảm bảo dòng chảy môi trường theo quy định.

Các nhà máy thủy điện A Lưới, Hương Điền cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tại nhà máy thủ điện Hương Điền, mực nước hiện là 47,8m, cao hơn mực nước chết khoảng 1,8m, thấp hơn mực nước trung bình hàng năm 10m. Tại nhà máy thủy điện A Lưới, hiện tại mực nước lòng hồ trên mực nước chết khoảng 20cm. Theo tính toán, năm 2018 nhà máy thủy điện A Lưới sẽ thiếu khoảng 60-70% sản lượng, hiện chỉ đạt khoảng 30% sản lượng đề ra. Trong thời gian tới nếu không có lượng mưa bổ sung thì công tác vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy thủy điện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế (Công ty) cho biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy điện thủy lợi, với tổng lượng nước khoảng 2 tỷ m3, Công ty quản lý 21 hồ, trong đó có 14 hồ vừa. Tuy nhiên, hiện mức tích nước các hồ khá thấp khoảng 52% so với cùng kỳ, thậm chí có hồ chỉ tích được 10%, như hồ Phú Bài 2.“Việc thiếu nước trong năm nay không chỉ gây khó khăn cho công tác gieo cấy hơn 53 ngàn ha lúa nước vụ Đông Xuân mà còn gây khô kiệt cho vụ mùa Hè Thu năm 2019. Với tình hình này, sang năm sẽ khuyến cáo bà con nên chuyển đổi cây trồng ở một số vùng vì sẽ không đủ nước tưới. Không chỉ thiếu nước cho tưới tiêu nông nghiệp mà nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cũng đáng lo", ông Đính nhấn mạnh.

Nhà máy thủy điện Bình Điền chỉ hoạt động cầm chừng, đủ đảm bảo lưu lượng môi trường theo quy định

Bên cạnh đó, ông Cái Văn Thám – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế cho biết, nếu không có lũ thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh, sâu hại rất cao, bởi vì các mầm bệnh này không được lũ cuốn trôi. Đặc biệt, năm tới nạn chuột phá hoại mùa màng lớn vì có lũ nước sẽ ngập chuột không thể sinh sản và bị nước cuốn.

Tăng cường giải pháp chống hạn

Trước tình hình khó khăn do ít mưa, thiếu nước, Bộ Nông nghiệp đã có Chỉ thị gửi các địa phương về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2018 – 2019.

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị UBND các huyện, thị xã và TP. Huế xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Công văn của tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các ngành chức năng chống hạn, phục vụ nông nghiệp

Cụ thể, thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2018-2019.

Kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.

Sở Công thương, Sở Tài nguyên và môi trường kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào cuối mùa mưa để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho hạ du các hồ chứa nước thủy điện trong mùa khô 2018- 2019, trong đó tập trung ưu tiên cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Sở Công thương chỉ đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định cho sinh hoạt, vận hành các hồ chứa, trạm bơm phục vụ công tác phòng, chống hạn kịp thời. Căn cứ vào tình hình lượng nước của các hồ thủy điện và dự báo lượng mưa từ nay đến cuối năm 2018, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện xây dựng và giám sát kế hoạch vận hành đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khác trên hệ thống sông Hương cho đến cuối năm 2019...

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-nhieu-kho-khan-khi-nang-han-bat-thuong-giua-mua-mua-112169.html