Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn trở lại, nguy cơ lũ chồng lũ

Ngày 7-11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn mưa lớn, nước các sông dâng cao trở lại. Một số tuyến đường ở TP Huế trước đó nước đã rút nay lại ngập trong nước. Các vùng thấp trũng trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ lũ chồng lũ; giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống người dân thêm một lần nữa bị đảo lộn.

Nguy cơ lũ chồng lũ

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, mức nước ở các con sông trên địa bàn tỉnh đã dâng trở lại, xấp xỉ dưới mức báo động ba. Mực nước lúc 16 giờ ngày 7-11, trên sông Hương tại Kim Long 3,15 m, dưới báo động ba là 0,35m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,25 m, dưới báo động ba là 0,25 m; sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 58,85 m; sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,27 m; sông Truồi tại Cầu Truồi 2,06m. Cấp độ rủi ro cấp hai, tăng một cấp so với sáng cùng ngày.

Mưa lớn cộng thêm triều cường khiến nước dâng lại nhiều nơi. Các tuyến đường ở TP Huế trước đó nước đã rút hết thì hiện tại nước đang dâng lên, nhiều nơi ngập sâu. Một số tuyến đường khu vực phía nam thành phố nước đang lên chậm. Ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến đường việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Bên ngoài trời mưa vẫn đang lớn. Cuộc sống người dân thành phố lại bị đảo lộn. Theo dự báo, đêm nay nước trên các sông sẽ rút nhưng rút rất chậm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương PCTT-TKCN Hoàng Văn Thắng kiểm tra hình hình sạt lở bờ biển tại Thuận An (huyện Phú Vang).

Tại TP Huế, khoảng 50% tuyến đường vẫn ngập bình quân từ 0,3-0,5 m. Các tuyến đường khu vực bắc sông Hương như: Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,5-1,3 m. Các tuyến đường khu vực nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé... ngập bình quân 0,6 -1,2 m. Tại thị xã Hương Thủy, ngập lụt xảy ra trên diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4 - 0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8 - 1,2m, bao gồm các phường Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Bằng. Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập trung bình từ 0,5 - 0,8m, gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ hai đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 - 0,7m với tổng chiều dài hơn 10 km.

Sáng cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục phát đi công điện khẩn đến các đơn vị trên toàn tỉnh theo dõi, tiếp tục sơ tán dân ra khỏi vùng thấp trũng, có nguy cơ xảy ra sạt lỡ đất, lũ ống...; tiếp tục canh gác, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập nước, chảy xiết; tiếp tục triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn, dự trữ lương thực, thực phẩm.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12 và nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh nên từ 19 giờ 3-11 đến 10 giờ ngày 7-11, trên địa bàn đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400 – 1.100 mm, xuất hiện một đợt lũ lớn trên báo động ba trên sông Hương và sông Bồ. Trên đất liền có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7. Hiện nay đang có mưa to, mực nước các sông có khả năng lên trở lại mức báo động ba hoặc cao hơn. Lượng mưa cao nhất đo được tại trạm Bạch Mã 2.464mm tính từ 19 giờ ngày mùng ba đến bảy giờ ngày 7-11.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại

Đến 16 giờ ngày 7-11, mưa lũ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã làm chín người chết, ba người bị thương. Tại thị xã Hương Trà, mưa lũ cuốn trôi 80 lồng cá nuôi trên sông Bồ; ước tính có 322 tấn cá bị chết, trôi. Tại huyện Phong Điền, 370 ha rau màu các loại bị ngập, 30 ha cây ăn quả mới trồng có khả năng bị chết; hơn 100 tấn lúa bị ướt; 18,7 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 130 lồng cá bị thiệt hại. Tại huyện Nam Đông, hệ thống thủy lợi bị bồi lấp đập đầu mối và kênh mương 10,7 km; kênh mương xói lở hư hỏng 1,6 km; 9 đập đầu mối bị hư hỏng. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương đang triển khai phương án ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay biện pháp khắc phục thiệt hại theo phương án "bốn tại chỗ", nước rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Việc vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cần bảo đảm an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa, không gây đột biến cho vùng hạ du. Các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức bảo đảm an toàn giao thông qua quốc lộ 1A, quốc lộ 49, đường sắt bắc - nam, đường hàng không.

Ngày 7-11, Quốc lộ 49 lên huyện vùng cao A Lưới tuy đã thông đường, nhưng giao thông vẫn còn nhiều trở ngại, một số điểm lở đất chỉ vừa mới thông 1/3 đường. Đường dây 472 và đường 373 bị hư hỏng nặng tại ba điểm, gẫy đổ bốn trụ điện. Để bảo đảm công tác sữa chữa, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế huy động gần 50 cán bộ và hàng loạt phương tiện hoạt động hết công suất để vận chuyển vật liệu đến hiện trường kịp thời khắc phục sự cố. Dưới mưa, không khí làm việc tại hiện trường vẫn rất khẩn trương; nhiều công nhân phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ dưới nước lũ dựng cột, kéo cáp hay trèo lên cao để nối lại đường dây. Tất cả đều ra sức làm việc với phương châm “không chậm trễ dù chỉ một phút”.

Hàng chục tấn cá nuôi lồng nuôi trên sông Bồ của bà con nhân dân huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) bị chết trắng do thủy điện xả lũ, nước dâng cao.

UBND xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) cho biết, toàn xã có trên 260 lồng cá diêu hồng, cá rô-phi nuôi trên sông Bồ bị chết với trên 400 tấn cá. Hai ngày qua, bà con cùng lực lượng tự vệ tại xã tiến hành thu gom một phần cá chết bán cho một doanh nghiệp làm thức ăn chăn nuôi với giá năm nghìn đồng/kg. Hiện vẫn còn hơn một nửa số lượng cá vẫn chưa được thu gom, có nguy cơ ô nhiễm môi trường do các chết rất lớn. Ông Hoàng Bá Linh, thôn Hạ Lang (xã Quảng Phú) cho biết, gia đình ông có 10 lồng cá diêu hồng chết do mưa lũ. Nguyên nhân do nước về nhanh, mạnh khiến cá bị chèn ép dẫn đến chết hàng loạt. Hiện số cá chết của gia đình vẫn chưa được thu gom, nguy cơ ô nhiễm rất cao.

Trước thực trạng cá chết hàng loạt nói trên, lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền đã gặp gỡ các hộ bị cá chết, động viên tinh thần những hộ thiệt hại nặng.

Phó chủ tịch UBND huyện Trương Duy Hải cho rằng: “Ngoài số lượng cá doanh nghiệp thu mua, các hộ không được tự ý thả lượng cá chết ra ngoài môi trường nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trong và sau lũ. Huyện đã yêu cầu xã Quảng Phú và các phòng, ban liên quan tiến hành thống kê lượng cá chết, cá còn tồn đọng chưa được doanh nghiệp thu mua ngay trong ngày hôm nay. Trong ngày mai 8-11 sẽ tiến hành thu gom tất cả số cá còn lại tập kết chôn tại bãi rác của huyện. Huyện sẽ hỗ trợ xe chuyên chở và hóa chất phục vụ công tác thu gom và xử lý nhằm bảo đảm môi trường trong và sau lũ.

Bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân

Ngày 7-11 sau khi thực địa, kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương PCTT-TKCN, Hoàng Văn Thắng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương PCTT-TKCN, có phương án ứng phó với tình hình mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân. Các chủ hồ đập tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt tích trữ nước, hạn chế lưu lượng xả vào ban đêm nên chỉ ngập lụt ban ngày; nhờ đó các địa phương, nhân dân chủ động ứng phó, sơ tán, di dời và kê cao tài sản kịp thời, tránh thiệt hại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, từ ngày 1-11 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ hồ đập triển khai phương án bảo vệ các công trình, điều tiết mực nước hợp lý, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng nhân dân vùng hạ du. Các hộ dân ở vùng xung yếu, ven biển, thấp trũng đều được sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đến nay, chưa có hộ nào xảy ra tình trạng thiếu đói. Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, vài ngày đến tỉnh sẽ tính đến phương án cứu trợ cho dân.

Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế huy động công nhân khắc phục sự cố mất điện do gãy trụ tại xã A Roàng (huyện A Lưới).

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Mực nước tại các hồ chứa còn ở mức cao, cần có phương án điều tiết hợp lý, không để ngập, lũ cao, bất ngờ tại các vùng hạ du. Các địa phương, ban ngành cần lưu ý tại các tuyến biển đang bị ảnh hưởng, sạt lở, đe dọa tính mạng người dân; chủ động theo dõi để có biện pháp sơ tán tài sản, người dân đến nơi an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, hiện toàn bộ các địa bàn vùng thấp trũng của tỉnh bị ngập lụt sâu từ 0,6 - 0,8 m. Số người chết, mất tích và bị thương có thể tiếp tục tăng do mưa lũ ngày mỗi phức tạp, nước dâng cao trở lại; hàng nghìn ngôi nhà đang ngập nước. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại theo phương án từ trước; đồng thời, đề nghị T.Ư hỗ trợ thuốc tiêu độc cho vùng ngập lụt và hỗ trợ gạo cho người dân vùng ngập lụt; các bộ, ngành sớm khắc phục các công trình giao thông quốc gia bị hư hại để bảo đảm an toàn giao thông và phục vụ sản xuất, sớm ổn định cho nhân dân vùng lũ.

Bài, ảnh: CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34642702-thua-thien-hue-mua-lon-tro-lai-nguy-co-lu-chong-lu.html