Thừa Thiên - Huế mong có cơ chế trong đầu tư xây dựng các công trình di tích

Ngày 19/4, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Thừa Thiên - Huế cần kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế theo tinh thần Kết luận 48, 175 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Tỉnh tiếp tục phát triển dịch vụ trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời phát triển các dịch vụ có thế mạnh như y tế, giáo dục, chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý: Tại Thừa Thiên- Huế, ngành công nghiệp phải phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và ưu tiên công nghiệp phục vụ cho du lịch. Đối với nông nghiệp tỉnh cần đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng phát triển các đặc sản, nông sản sạch để phục vụ phát triển du lịch.

Tỉnh cũng cần cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế đặc thù khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại và hạ tầng hàng không, cảng biển; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, cả nước và quốc tế; phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản, di tích lịch sử văn hóa.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Qua 2 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,37%/năm; hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2017 đạt 1.625 USD; thu ngân sách nhà nước đạt gần 6.950 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2017, tỉnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết nối hạ tầng theo mô hình "đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh", với tổng số vốn đạt gần 36.600 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố Huế đã thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và được công nhận Thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường của ASEAN.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung về cơ chế chính sách liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng các công trình di tích quy định tại Luật đầu tư công. Tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ thực hiện dự án di giời, giải tỏa, tái định cư giai đoạn 2 cho khoảng 6.000 hộ với trên 24.000 dân tại các khu vực vùng lõi khu vực I di tích Huế; đầu tư xây dựng khu đô thị đại học Huế; dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây; dự án cầu qua sông Hương; dự án Quốc lộ 49A nối huyện miền núi A Lưới với thành phố Huế.

Trong chương trình công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác cũng đã đến thăm công ty cổ phần Dệt may Huế, tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thua-thien-hue-mong-co-co-che-trong-dau-tu-xay-dung-cac-cong-trinh-di-tich-20180419162311260.htm