Thừa Thiên Huế: Làm rõ những thông tin liên quan các cựu lãnh đạo tỉnh

Những thông tin liên quan đến các cựu lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã được người phát ngôn UBND và Công an tỉnh này lên tiếng làm rõ.

Ông Nguyễn Văn Cao (đứng) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Văn Cao (đứng) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đó, trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội và dư luận tại Thừa Thiên Huế xôn xao thông tin cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao bị cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 8/10, ông Hoàng Ngọc Khanh – Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bác bỏ thông tin này. Theo ông Khanh, những thông tin cho rằng ông Cao bị cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh là những thông tin bịa đặt, vô căn cứ.

Cũng theo ông Khanh, hiện nay ông Cao vẫn đang trong thời gian nghỉ chờ chế độ hưu. Theo đó, ông Nguyễn Văn Cao đã thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 1/6/2018, nghỉ chờ hưu trước 4 tháng và phải đến ngày 1/11 tới đây, ông mới chính thức nghỉ. Trước đó, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh này từ tháng 5/2010. Theo quy định, Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh đều được cấp hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao. Hộ chiếu này sẽ bị thu hồi khi lãnh đạo nghỉ hưu, thay vào đó sẽ cấp hộ chiếu phổ thông theo yêu cầu cá nhân.

Ông Khanh cho biết thêm, trong thời gian nghỉ chờ hưu, ông Cao đã xuất cảnh qua Trung Quốc theo đoàn của tỉnh Thừa Thiên Huế đi tìm hiểu về kinh đô ẩm thực. Mới đây, ông Bùi Thanh Hà – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã ký văn bản đồng ý cho ông Cao xuất cảnh sang Cộng Hòa Liên Bang Đức để tham quan theo tư cách cá nhân vào ngày 15/10 tới đây.

Một thông tin khác liên quan đến cựu lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc bán nhà công sản tại số 135 Huỳnh Thúc Kháng (TP. Huế). Những cá nhân liên quan đến vụ việc này gồm: bà Nguyễn Thị Thúy Hòa - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội đồng bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và ông Lê Quang Dũng - nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết, nhà số 135 Huỳnh Thúc Kháng có diện tích khoảng hơn 100m2. Trước đây, nhà này thuộc diện sở hữu của nhà nước, sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho bà Tôn Nữ Thị Hưu thuê lại.

Đến năm 2010, Hội đồng bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế bán nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng cho bà Hưu với giá hơn 62,8 triệu đồng. Sau đó, do không có nhu cầu sử dụng nên bà Hưu đã chuyển nhượng nhà này cho người khác số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra tỉnh khẳng định, việc bán nhà cho bà Hưu là sai quy định vì bà này không thuộc diện được mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ. Thanh tra tỉnh cũng xác định có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại ngân sách hơn 2,7 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vào tháng 8/2017, ông Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, làm Trưởng đoàn Đoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã yêu cầu tỉnh khẩn trương chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nổi cộm ở tỉnh, trong đó có vụ bán nhà số 135 Huỳnh Thúc Kháng.

Hồ sơ vụ việc cũng đã được Thanh tra tỉnh chuyển cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra, làm rõ.

Liên quan vụ việc, chiều 8/10, Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó giám đốc Công an tỉnh này cho biết, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra và theo kết luận của cơ quan điều tra: vụ việc có hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với những cá nhân cụ thể liên quan đến vụ việc bán nhà công sản 135 Huỳnh Thúc Kháng, theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, đây đều là những cán bộ lãnh đạo của tỉnh, thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

“Khi Đoàn kiểm tra Trung ương 5 vào, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục làm rõ và giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy chịu trách nhiệm kiểm tra, báo cáo Ban Nội chính Trung ương. Sắp đến, sẽ có đoàn của Ban Nội chính Trung ương vào làm việc, khi đó việc xử lý như thế nào sẽ rất rõ ràng”, theo lời Đại tá Sơn.

Tuy nhiên, Đại tá Sơn cũng cho biết thêm: “Theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, đối với những nội dung mà chúng ta theo dõi cho người được điều tiết, thì chúng ta áp dụng. Nếu hành vi được điều tiết trong thời điểm mà Bộ Luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thì chúng ta áp dụng luật thời điểm đó. Theo tinh thần đó, các đối tượng vi phạm có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, thậm chí sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như đã tự giác khắc phục hậu quả hoặc hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tôi khẳng định quan điểm nhất quán của cơ quan tố tụng là có vi phạm pháp luật. Nhưng xử lý thế nào sẽ còn phải căn cứ theo quy định của pháp luật”.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thua-thien-hue-len-tieng-ve-nhung-thong-tin-lien-quan-cac-cuu-lanh-dao-tinh-d82808.html