Thừa Thiên – Huế: Kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về 'Nhà di sản'

Trước những thông tin mà báo chí phản ánh về khu nhà di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn yêu cầu UBND TP. Huế khẩn trương kiểm tra, xử lý.

Liên quan đến việc thời gian vừa qua báo chí có bài viết phản ánh thông tin về khu nhà di sản tại số 117 Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc, TP. Huế, ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có công văn số 8333/UBND-VH yêu cầu UBND thành phố Huế khẩn trương kiểm tra, xử lý.

Trước đó như đã đưa tin phản ánh, ngôi nhà số 117 Lê Thánh Tôn (số 73 cũ) trước đây là của ông Trương Như Cương (1850-1926, là một danh thần nhà Nguyễn) về sau để lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970, Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn). Đây là một trong những ngôi nhà đẹp có nhiều giá trị khi phối hợp hài hòa giữa lối kiến trúc nhà rường Việt và kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20, điển hình cho dạng tư gia của quan lại triều Nguyễn trong kinh thành Huế.

Phần sân “Nhà di sản” được UBND phường Thuận Lộc cho tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao, sự việc nhận được nhiều ý kiến bất bình của người dân.

Vào năm 1996, nằm trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Pháp, ngôi nhà đã được các chuyên gia vùng Nord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille chọn giúp đỡ, đầu tư một số tiền lớn để trùng tu, cải tạo và đặt tên là “Nhà di sản”. Một thời gian dài sau đó đây trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và là công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế.

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều người dân, sau nhiều lần được cho thuê và mượn, hiện tại khoảng sân trước khu “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn đang được UBND phường Thuận Lộc cho một đơn vị tư nhân thuê lại để xây dựng công trình khác. Sự việc khiến nhiều người không khỏi bất bình.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên – Huế cho rằng “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn tuy không phải là di tích nhưng lại có nhiều giá trị về mặt truyền thống, lịch sử, kiến trúc,..

Việc cho thuê làm phá vỡ khu nhà di sản đã thể hiện sự bất nhất trong việc bảo vệ di sản văn hóa Huế khi mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có chủ trương bỏ ra hàng chục tỷ đồng hình thành nên Quỹ hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng để trùng tu nhiều khu nhà cổ khác. Điều này nếu như xử lý không đúng cách sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với người dân trong việc ứng xử, bảo tồn những ngôi nhà cổ khác sau này.

Trước thông tin mà báo chí đã phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn yêu cầu UBND TP. Huế khẩn trương kiểm tra, xử lý và có kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2017.

Thế Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/thua-thien-hue-kiem-tra-xu-ly-thong-tin-bao-chi-phan-anh-ve-nha-di-san-263589.html