Thừa Thiên Huế hướng tới xây dựng các khu công nghiệp có giá trị gia tăng cao

Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng các khu công nghiệp (KCN) có giá trị gia tăng cao, là những KCN xanh, KCN sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương, chúng ta đang hướng đến là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Đó là nhấn mạnh của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, ngày 27/5.

Sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư

Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh Thừa Thiên, hiện trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 3.050ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.000ha, diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 326ha, diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê theo quy hoạch là 1.660ha; diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê mà đã đầu tư hạ tầng 235,7ha.

Ban Quản lý KKT, CN tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phải đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch trong năm 2021; trường hợp đến hết năm 2021 nếu các KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung thì không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp.

Tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện đang có Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Huế

Tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện đang có Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Huế

Còn đối với một số KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp, như khu tiểu thủ công nghiệp thuộc KCN La Sơn, KCN Phú Đa, Khu A - KCN Phong Điền thì thực trạng của các KCN này là việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN rất khó khăn do diện tích đất còn lại ít, đầu tư không hiệu quả. Vì vậy, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương đối với các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp phải thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Hướng tới KCN xanh, sạch

Ông Thọ chia sẻ, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhưng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thể nói, bên cạnh bị tác động bởi dịch bệnh thì thời điểm này là cơ hội vàng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư, chuyển hướng vào Việt Nam.

“Chúng ta phải nắm bắt, tận dụng cơ hội, nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ để có được những kết quả cao hơn trong thu hút đầu tư vào các KCN. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý KKT, CN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hạ tầng”, ông Thọ nhấn mạnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu cơ hội

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo Ban quản lý KKT, CN tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…

Ông Phan Ngọc Thọ - khẳng định: Phải hướng tới xây dựng các KCN tại Thừa Thiên Huế có giá trị gia tăng cao, là những KCN xanh, KCN sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương. Chúng ta đang hướng đến xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-huong-toi-xay-dung-cac-khu-cong-nghiep-co-gia-tri-gia-tang-cao-138060.html