Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương- Bài 1: Phát triển đô thị phải đảm bảo sự hài hòa

Với định hướng đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương này đã dồn hết tâm lực để hiện thực hóa hành trình hướng đến đô thị di sản đặc sắc và hài hòa với giá trị vốn có…

"Giấc mơ Huế" xây dựng xứ sở hạnh phúc

Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014: Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng TP. Huế với diện tích của TP. Huế từ 70,6 km2 tăng lên 265,9 km2, dân số từ 354.000 người tăng lên hơn 652.000 người. Việc mở rộng TP. Huế sẽ tạo động lực để tỉnh phát triển trong thời gian tới và cùng hướng tới mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

TP. Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản cố đô

TP. Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản cố đô

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: “Giấc mơ Huế” và “khát vọng Huế” không đơn thuần là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu mà "Giấc mơ Huế" hướng tới là xây dựng một xứ sở hạnh phúc, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, xây dựng "Giấc mơ Huế" chính là tạo một môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế; tạo môi trường làm việc sáng tạo để các trí thức và những người tâm huyết với Huế có điều kiện và khả năng cống hiến tốt nhất, sớm đưa Huế phát triển xứng đáng với vị thế và vai trò vốn có.

"Huế không có điều kiện để phát triển công nghiệp như các địa phương ở 2 đầu đất nước, vì vậy phải định hướng phát triển theo kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ kỹ thuật cao… Huế đang phấn đấu trong vài năm tới có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, để có tên trong “bản đồ” công viên phần mềm quốc gia. Du lịch với Huế là ngành kinh tế mũi nhọn, Huế sẽ xây dựng kinh đô ẩm thực và kinh đô của áo dài...", Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản

Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế - cho biết: Trước đây thành phố chỉ gắn với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục, khi mở rộng thành phố sẽ đáp ứng thêm vai trò là một trung tâm kinh tế. Ông Định cho rằng, kinh tế ở đây không phải là việc đóng góp ngân sách nhiều hay ít mà là vấn đề tạo ra được một động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

“TP. Huế cũng hướng đến là một trung tâm của tri thức và công nghệ để thúc đẩy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xung quanh thành phố hay toàn tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, TP. Huế luôn hướng tới giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, hình thành một đô thị mẫu mực”, ông Định nhấn mạnh.

TP. Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản cố đô. Đặc biệt là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới… Tất cả những vấn đề ấy là bài toán cho thấy việc phát triển đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo định hướng phát triển Thừa Thiên Huế là đô thị di sản trong tương lai.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong quá trình phát triển đô thị nói chung, việc hình thành chỗ ở cho người dân, tạo cảnh quan cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề hết sức cấp bách. Tuy nhiên, làm sao để phát triển đô thị một cách hài hòa, đồng thời phát huy các giá trị sử dụng đất để đem lại điều kiện chung phát triển kinh tế - xã hội cho Thừa Thiên Huế cũng là vấn đề cần phải đặt ra.

Đô thị Thừa Thiên Huế không nhất thiết phải có mật độ xây dựng cao với những tòa nhà cao tầng, nhưng cần hài hòa, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, vừa đảm bảo được cảnh quan, phù hợp với không gian di sản, văn hóa, cảnh quan của Huế và thân thiện môi trường.

"Bên cạnh đó, các đô thị Thừa Thiên Huế nói chung cũng như hệ thống các thiết chế hạ tầng đô thị nói riêng cần phát triển đảm bảo sao cho có sự kết nối giữa các vùng di sản; làm sao để tạo không gian hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn sẵn có của Huế mà chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy, qua đó giá trị của bất động sản Huế cũng sẽ được nâng cao", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh./.

Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương- Bài 2: Xây dựng bản đồ phát triển bất động sản

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-huong-den-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-bai-1-phat-trien-do-thi-phai-dam-bao-su-hai-hoa-158987.html