Thừa Thiên - Huế: Hiệu quả mô hình sinh kế gắn với bảo vệ tài nguyên rừng ở khu bảo tồn Sao La

Dự án 'Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống gần khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế' đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Mô hình nuôi bò bán thâm canh

Dự án được triển khai tại xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), do Quỹ Vốn nhỏ Môi trường Toàn cầu tại Việt Nam tài trợ. Đối tượng tham gia dự án là cộng đồng dân cư tại xã Hương Nguyên với với 1.675 người hưởng lợi, (100% Đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ chiếm 64%). Tổng số vốn của toàn dự án là hơn 1,484 tỷ đồng.

Thông qua dự án này, người dân sẽ được nâng cao nậng thức về bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và phát triển sinh kế. Đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân và cộng đồng về quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, dự án hướng tới cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Dự án khởi động tháng 4/2018, đến nay sau gần 2 năm triển khai, đã có 3 mô hình sinh kế bền vững hình thành, ang lại thu nhập cho người dân là: chăn nuôi bò thâm canh (22 hộ tham gia, với thu nhập theo chu kỳ từ 15 – 20 triệu); trồng lúa đặc sản Ra Dư trên đất trồng keo thương mại (10 hộ tham gia với 4,5ha lúa mỗi vụ cùng thu nhập theo chu kỳ từ 14 – 18 triệu đồng); trồng Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên (28 hộ/2 nhóm cộng đồng tham gia).

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc Gia Chương trình các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho biết, Dự án của A Lưới nằm trong chương trình của 26 nước trên toàn thế giới được chọn với tâm điểm ưu tiên về bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học là khu bảo tồn Sao La. Chương trình dành rất nhiều kinh phí, kỹ thuật để người dân có một số quyền và thực thi quyền của mình về vấn đề quản trị tài nguyên và tăng cường sinh kế.

Bên cạnh đó, dự án gắn bảo tồn văn hóa với bảo tồn tài nguyên rừng, như việc giúp đồng bào Cơ Tu tại xã Hương Nguyễn khôi phục là lễ hội truyền thống mừng lúa mới (Aza) sau 60 năm thất truyền.

Thời gian vừa qua, các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án đã triển khai hoạt động rất quyết liệt, hiệu quả. Dù thời gian ngắn, nhưng đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, không chỉ là phát triển sinh kế đơn thuần, mà tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật, tài chính, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng hưởng lợi.

Mô hình trồng cây dược liệu Thiên niên kiện dưới tán rừng

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, các kết quả chính và nổi bật của dự án có thể thấy rõ, như: thành lập được mạng lưới quản lý bảo vệ rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng có sự liên kết thành mạng lưới giúp chia sẻ thông tin tốt hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng có thêm nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng nên đã thúc đẩy quản lý bảo vệ rừng cộng đồng.

Các mô hình sinh kế đạt hiệu quả cao có sự chuyển giao kỹ thuật, phù hợp với đề án của huyện A Lưới và thấy kết quả thành công bước đầu. 22 hộ nuôi bò bán thâm canh đã có 5 hộ có bò đẻ. Lúa Ra Dư là mô hình tiềm năng tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện sinh kế vừa giữ nguồn gen bản địa. Mô hình thiên niên kiện là mô hình mới giúp tăng độ che phủ, làm giàu rừng. Tuy hiệu quả thực tế chưa rõ ràng nhưng cơ hội tăng thu nhập và làm cho thời gian hiện diện của các hộ trong rừng nhiều hơn để bảo vệ rừng của họ,…

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho rằng, dự án đã góp phần lớn vào công cuộc bảo vệ tài nguyên rừng của huyện; đồng thời tham gia cùng các chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; giúp đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở gần bìa rừng được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thua-thien-hue-hieu-qua-mo-hinh-sinh-ke-gan-voi-bao-ve-tai-nguyen-rung-o-khu-bao-ton-sao-la-20200620121115537.htm