Thừa Thiên – Huế: Hàng trăm hộ dân sống thấp thỏm bên cạnh mỏ đá xi măng Đồng Lâm

Từ ngày mỏ đá xi măng Đồng Lâm, ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) nổ mìn, khai thác đá đã làm hàng loạt nhà dân bị nứt, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, làm sụt lún đất và mất nước ngầm trên diện rộng… khiến người dân bất an, sống trong thấp thỏm và lo lắng.

Hố sụt lún xuất hiện ngay dưới nền nhà dân gân mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Hố sụt lún xuất hiện ngay dưới nền nhà dân gân mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Liên tục xuất hiện sụt lún đất

Mỏ đá xi măng Đồng Lâm thuộc Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) đóng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác trên diện tích 90,5ha; trữ lượng 49.595.788 tấn; công suất khai thác 1.752.075 tấn/năm; thời gian khai thác 30 năm.

Khoảng năm 2014, Công ty Đồng Lâm thuê Công ty Tân Việt Bắc bắt đầu khai thác đá. Từ đó, hàng trăm hộ dân ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân – Quảng Lộc (xã Phong Xuân) sống trong bất an và thấp thỏm lo lắng, cuộc sống không có ngày nào được yên. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) gia đình bà sống chỉ cách vành đai mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm khoảng 300m. Gần đây, khu vực quanh nhà xuất hiện 5 điểm sụt lún mới khiến gia đình bà hết sức lo lắng. Ban đầu chỉ xuất hiện một hố sâu phía sau nhà, sau đó được các cơ quan chức năng đến kiểm tra và xử lý cho san lấp hố bị sụt lún. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn lại xuất hiện thêm 3 điểm sụt lún ngay dưới nền nhà rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình.

Hố sụt lún tại nhà bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Nghiêm trọng hơn, khoảng 11h30’, ngày 16/5/2020, Công ty Tân Việt Bắc đã nổ mìn gần đê bao số 1, khu vực gần cầu Cây Mưng (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân). Sau khi nổ mìn, khói thuốc súng, bụi phát tán gặp gió thổi nên bay vào nhà dân. Lúc này, khoảng 40 người dân ra khu vực đó để phản đối và ngăn cản việc nổ mìn.

Theo phản ánh của hàng chục người dân xã Phong Xuân sống cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 200 – 300m, từ khi nhà máy đi vào khai thác đá, người dân phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ khói bụi do nổ mìn khai thác đá, làm rạn nứt nhà cửa, sụt lún đất… gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mong muốn của người dân được di dời đến nơi ở mới để “an cư lạc nghiệp” yên tâm làm ăn và có phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng. Tuy nhiên, đến nay nguyện vọng trên vẫn được các ngành chức năng giải quyết.

Kiến nghị được di dời

Theo báo cáo của UBND xã Phong Xuân, từ tháng 8/2014 đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 72 hố sụt lún, đường kính từ 0,3 - 3,5m, độ sâu 0,5 - 3m; hố sụt lún xa nhất cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 1 - 2km. Các hố sụt lún xuất hiện chủ yếu trên đất nông nghiệp khoảng 61 hố, đặc biệt có 6 hố sụt lún mồ mả, 5 hố xuất hiện trên đất ở của người dân.

Từ tháng 8/2014 đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 72 hố sụt lún, đường kính từ 0,3 - 3,5m, độ sâu 0,5 - 3m.

Ông Trần Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: Nhận được phản ánh của một số hộ dân sống lân cận mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm về việc bị rạn nứt nhà, sụt lún đất, UBND xã đã phối hợp với Công ty Đồng Lâm tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng rạn nứt và lập biên bản hiện trường của từng nhà dân. Tiến hành khảo sát tất cả nhà dân khiếu nại bị rạn nứt trong phạm vi 500m tính từ đê bao mỏ. Trong đợt khảo sát định kỳ lần 1, có 117 nhà dân bị ảnh hưởng và đợt khảo sát lần 2 (năm 2019 – 2020) có 127 nhà bị ảnh hưởng rạn nứt nhà. Phía Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng cho người dân sửa chữa, khắc phục những hư hỏng và hỗ trợ cho các hộ dân san lấp các hố sụt lún.

Những diện tích đất trồng cây bị ảnh hưởng cũng được Công ty tiến hành hỗ trợ theo từng vụ, đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong phạm vi 200m, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/vụ với diện tích trồng lúa và hoa màu; 400.000 đồng/sào/năm đối với diện tích đất trồng cây lâu năm và keo tràm. Hỗ trợ tiền mua Bảo hiểm y tế năm 2020 cho các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi cách đê bao mỏ đá trong bán kính 300m.

Ông Trần Văn Toàn cho biết thêm: Nhiều cuộc họp, địa phương đã yêu cầu Công ty Đồng Lâm có giải pháp đảm bảo an toàn và hạn chế rung chấn, khói bụi trong nổ mìn. Đồng thời, làm hàng rào bảo vệ xung quanh khu mỏ. Ngoài ra, đề nghị UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có phương án di dời nhà cửa khỏi phạm vi 300m cách từ đê bao hoặc có phương án hỗ trợ do tác động từ việc khai thác mỏ đá gây ra cho các hộ dân.

Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, UBND huyện Phong Điền đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi 300m, những hộ dân sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi đến Khu tái định cư mới. Với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200m xung quanh khu mỏ đá vôi với diện tích gần 26ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất và xin chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200 đến 300m xung quanh mỏ đá vôi.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

Báo Xây dựng

Nguồn PetroTimes: https://batdongsan.petrotimes.vn/thua-thien-hue-hang-tram-ho-dan-song-thap-thom-ben-canh-mo-da-xi-mang-dong-lam-576776.html