Thừa Thiên Huế: Đường ven biển sẽ là động lực để phát triển kinh tế biển, đầm phá

Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128km, trong đó hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68km, rộng 1- 10km, tổng diện tích mặt nước 216km2, là đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của địa phương.

Gần 6.500 tỷ đồng xây dựng đường ven biển

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng. Trong đó, riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Liên quan việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường ven biển, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy định, tuyến đường ven biển đi trùng với quốc lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT, tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương. Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ GTVT đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Đối với các tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Hình thành tuyến đường ven biển là chiến lược và động lực để Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế biển, đầm phá trong thời gian tới

Hình thành tuyến đường ven biển là chiến lược và động lực để Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế biển, đầm phá trong thời gian tới

Ngày 12/9, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã có chuyến khảo sát, kiểm tra thực địa tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Theo ông Thọ, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và du lịch.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, tạo quỹ đất 2 bên tuyến đường ven biển; khẩn trương lập quy hoạch mở rộng không gian 2 bên đường; lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Phát triển kinh tế biển bền vững

Với việc đầu tư xây dựng đường ven biển, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế - kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ hệ thống các đô thị ven biển, các quy hoạch và dự án có liên quan

Mục tiêu đề ra là đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; 100% dân số được sử dụng nước sạch.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-duong-ven-bien-se-la-dong-luc-de-phat-trien-kinh-te-bien-dam-pha-143737.html